Sổ tay

Minh bạch để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh

(PLO)- Từ các kỳ thi tuyển sinh riêng, đừng để thí sinh nào vuột mất ước mơ ban đầu chỉ vì những rào cản không phải từ các em.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2024, không tính khối trường Công an nhân dân, cả nước có đến chín cơ sở đào tạo ĐH tổ chức thi tuyển sinh riêng theo hướng đánh giá năng lực (ĐGNL) thí sinh (TS) để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH. Từ chín kỳ thi tuyển sinh riêng của các cơ sở đào tạo ĐH, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt TS dự thi, hàng trăm cơ sở đào tạo sử dụng chung kết quả để xét tuyển với nhiều mức chỉ tiêu khác nhau.

Nếu so với khoảng 1 triệu TS dự thi tốt nghiệp THPT và hơn 600.000 TS tham gia dự tuyển ĐH hằng năm, số lượng TS tham gia các kỳ thi tuyển sinh riêng không cao. Điều đó không có nghĩa là kỳ thi tuyển sinh riêng không đủ quan trọng, mà do thực tế có những rào cản khiến các em phải cân nhắc việc nên thi hay không.

Đơn cử kỳ thi lớn nhất hiện nay là ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM. Kỳ thi được phủ rộng ở nhiều tỉnh/thành, vùng miền. Thế nhưng cũng chỉ vài tỉnh/thành có nhiều địa điểm thi như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các địa phương còn lại chỉ có 1-2 địa điểm thi, có những tỉnh không có địa điểm thi.

tuyển sinh

Khi đó, ngoài lệ phí thi cao từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng, các em còn phải lo chi phí đi lại, ngủ nghỉ, ăn uống… Đây là vấn đề trở ngại không nhỏ đối với TS ở vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Thi ĐGNL không phải là lựa chọn duy nhất vì các trường đều có nhiều phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế… để tạo thêm cơ hội cho tất cả TS.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy dù có nhiều phương thức nhưng chủ yếu vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc xét điểm thi riêng, còn các phương thức khác chiếm rất nhỏ trong chỉ tiêu ở các trường lớn. Có những trường xét điểm thi ĐGNL chiếm 30%-70% chỉ tiêu, cũng đồng nghĩa là các em không thi sẽ mất từng đó cơ hội để vào ĐH, nhất là ở những ngành “hot”.

Chưa kể có một số cơ sở đào tạo không công khai, minh bạch tỉ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển, cùng với việc phân chia kiểu “dự kiến” với một khoảng khá xa, thực ra chỉ để tạo thuận lợi cho trường, còn với TS không khác nào “đánh đố”.

Chẳng hạn năm 2023 đã có hai thủ khoa toàn quốc khối A00 (toán, lý, hóa) với 29,35 điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn rớt nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Lý do là điểm môn toán chưa cao theo công thức tính của trường và cũng vì trường đã tuyển được số lượng lớn chỉ tiêu theo các phương thức khác (như xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy…) nên điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT bị đẩy lên đến 29,42 điểm.

Sự việc hy hữu tương tự có thể lại xảy ra với bất kỳ ai trong vài trăm ngàn TS năm nay không dự thi hoặc không thể dự thi các kỳ thi tuyển sinh riêng.

Đành rằng việc tổ chức thi tuyển sinh riêng là quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, miễn là đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thế nhưng, khi nguồn lực để tổ chức thi tuyển sinh ở quy mô lớn còn hạn chế; điều kiện của TS, của xã hội còn nhiều khó khăn thì các trường cần có những tính toán phù hợp khi phân bổ chỉ tiêu, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong xét tuyển để tạo cơ hội công bằng nhất cho TS. Đừng để TS nào vuột mất ước mơ ban đầu chỉ vì những rào cản không phải từ các em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm