Cuộc đua vào ĐH bằng kỳ thi tuyển sinh riêng - Bài 2

“Học ngày cày đêm” để đủ điểm

(PLO)- Thi đánh giá năng lực nhưng còn nặng kiến thức các môn học ở phổ thông dẫn đến luyện thi tràn lan, thí sinh bị áp lực học ôn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước nhiều kỳ thi, đợt thi tuyển sinh riêng hiện nay, có trường phải khuyến cáo học sinh (HS) lớp 12 đừng “ăn lắm sẽ bội thực” vì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cũng đang cận kề.

Vừa lo tốt nghiệp vừa “cày” thi riêng

Vừa hoàn tất việc đăng ký thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, em Trần Thanh Toàn (lớp 12, Trường THPT Phú Nhuận) chia sẻ: Em tính thi cả hai đợt của kỳ thi này, vừa thử sức vừa muốn có kết quả cao để đăng ký vào ngành kiến trúc của Trường ĐH Bách khoa hoặc Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

“Lớp em hơn 40 bạn nhưng đa số đều đăng ký thi, một vài bạn thi ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hiện thầy cô đẩy nhanh chương trình để chuẩn bị cho kiểm tra hết học kỳ và tăng tiết ôn tập cho thi tốt nghiệp THPT nên phải học rất nhiều. Đợt 1 thi sớm, bài thi nhiều môn, không ôn lỡ bị điểm thấp, uổng lắm” - Toàn bày tỏ.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM), năm nay có hơn 600 HS lớp 12, gần như hầu hết các em đều đăng ký dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển ĐH sớm.

thi đánh giá năng lực
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2023 tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: UEL

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng trường, cho biết: Hiện nay có thêm nhiều kỳ thi ĐGNL của các trường ĐH, cách thức thi cũng khác nhau. Trường phải thường xuyên tuyên truyền và khuyến cáo các em chỉ tham gia 1-2 kỳ thi thôi, đừng “ăn lắm sẽ bội thực” và ảnh hưởng đến kỳ thi quan trọng nhất là tốt nghiệp THPT.

“Với kỳ thi đánh giá năng lực mà đông HS tham gia, trường hỗ trợ các em bằng cách yêu cầu các tổ bộ môn nghiên cứu các đề thi minh họa theo từng môn để hướng dẫn các em ôn tập kiến thức, làm quen đề thi và rèn luyện kỹ năng làm bài” - ông Hải nói.

Nhan nhản khóa luyện thi, cam kết đậu ĐH

Nắm bắt nhu cầu lớn của HS tham gia các kỳ thi tuyển sinh riêng, các khóa luyện thi do nhiều cá nhân/đơn vị mở ra nhan nhản, với nhiều hình thức, mức phí khác nhau.

Cụ thể, trên trang Ôn thi ĐGNL ĐHQG TP.HCM của chủ tài khoản BVC có hơn 88.000 thành viên đã mở hàng loạt khóa ôn luyện từ cuối năm 2023 để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2024 này.

Trên hệ thống ôn thi thi đánh giá năng lực của kênh hocmai, ôn thi 24/7… cũng chiêu sinh hàng loạt khóa ôn thi thường và cấp tốc dành cho những em muốn thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trang này còn quảng cáo nội dung khóa học là hàng trăm video tổng hợp kiến thức có trong đề thi ĐGNL, 20 đề thi thử giúp tăng cơ hội trúng tủ và tăng điểm thi… Các đơn vị này còn cam kết “đậu ĐH bằng điểm thi ĐGNL, nếu không đạt sẽ hoàn tiền 100%”.

Không chỉ năm nay, nhiều cá nhân, trang mạng còn tung ra các khóa ôn luyện cho HS lớp 11 để thi ĐGNL theo chương trình mới từ năm 2025 với nhiều lời mời hấp dẫn.

Như trang của giáo viên tên BVC mở khóa ôn sớm cho HS 2K7 có giá 3,4 triệu đồng. Các em học tương tác trực tiếp và luyện đề trong nhóm kín, được giáo viên hỗ trợ 24/7 trên Facebook và Zalo.

Một số giáo viên tại Hà Nội đăng tải các khóa ôn luyện “Phong tỏa toàn bộ kiến thức bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội năm 2025” với học phí hơn 7 triệu đồng, ôn thi trực tuyến từ tháng 3-2024 đến tháng 6-2025.

Nhận định về thực tế này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), cho rằng đang có tình trạng luyện thi tràn lan do các kỳ thi để ĐGNL nhưng còn nặng kiến thức các môn học ở phổ thông như toán, lý, hóa, sinh…

““Phí chồng phí, nội dung chồng nội dung” gây áp lực, tốn kém cho HS và xã hội. Công tác giáo dục của các trường phổ thông sẽ bị ảnh hưởng nếu những kỳ thi này trở nên phổ biến và các trường ĐH xét tuyển rầm rộ.

Tôi cho rằng cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể mức độ tác động của các kỳ thi này, từ đó điều chỉnh để kỳ thi đúng bản chất ĐGNL” - ông Phú thẳng thắn.

Về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng “có cầu có cung”, có thi sẽ có luyện thi là bình thường.

“Cách luyện thi tốt nhất là các em hãy chủ động học tốt các môn học trong trường phổ thông. Các em có thể tập trung từng nhóm ôn luyện cùng nhau, trao đổi kinh nghiệm để giúp nhau học tốt hơn” - TS Chính khuyên.

Ôn thi chỉ giải quyết vấn đề tâm lý

Ngân hàng câu hỏi thi của ĐH Quốc gia Hà Nội rất lớn. Nội dung bài thi phổ quát hết chương trình THPT nên dù thí sinh có luyện thi chỗ nào cũng giống như học lại chương trình. Do đó, việc luyện thi trong thời gian ngắn chỉ giải quyết vấn đề tâm lý cho thí sinh trước một kỳ thi chứ không giải quyết được việc cải thiện điểm số.

GS-TS NGUYỄN TIẾN THẢO,
Giám đốc Trung tâm Khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội

Đề thi phải chứa nội dung của ít nhất 3 môn học ở THPT

Cơ sở đào tạo tổ chức thi phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuyên nghiệp, an toàn, thuận tiện và hiệu quả.

Cấu trúc đề thi phải chứa thành phần của nội dung môn toán hoặc môn ngữ văn cùng với ít nhất hai môn học khác ở THPT phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực, ngành đào tạo.

Phạm vi đánh giá của đề thi chủ yếu nằm trong chương trình cấp THPT hiện hành, phân loại được năng lực của thí sinh.

(Lược trích Thông tư 08/2022 của Bộ GD&ĐT về quy chế tuyển sinh ĐH,
tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm