Bỏ giấy chứng nhận bào chữa là hợp lý

LTS: Việc TAND quận 1(TP.HCM) từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư vì lý do chưa có chữ ký đồng ý của bị cáo (tuy sau đó tòa này đã khắc phục) lại lần nữa làm dấy lên vấn đề: có nên bỏ luôn quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa hay vẫn giữ nhưng có cải tiến? chúng tôi xin đăng tải những ý kiến xung quanh quy định này.

LS Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Quá nhiêu khê, phiền hà

Theo kinh nghiệm mấy chục năm hành nghề luật sư (LS), tôi thấy rằng việc cấp giấy chứng nhận (GCN) người bào chữa đang trở thành một trong những rào cản lớn cho hoạt động hành nghề của LS. Năm 2013, tôi nhận bào chữa cho bị can trong một vụ do cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra. Nhưng ba lần xin đăng ký cấp GCN cơ quan này đều từ chối với lý do bị can từ chối mời LS. Sau đó khi hồ sơ chuyển qua giai đoạn truy tố thì tôi được cấp giấy, hỏi lại vì sao trước đó từ chối thì bị can này cho biết: “Chưa bao giờ điều tra viên (ĐTV) hỏi về việc này”.

Hiện nay, BLTTHS sửa đổi theo hướng sẽ thay thế bằng giấy đăng ký bào chữa nhưng về bản chất thì cũng không khác. Bản thân loại giấy này không có gì xấu nhưng thủ tục để có được nó thì vẫn nhiêu khê khi yêu cầu phải có sự đồng ý của bị can, bị cáo. Trong khi việc LS có gặp được bị can hay không thì thực tế trần ai, vì có hàng trăm cách để cơ quan điều tra từ chối, làm khó. Tôi nghĩ nên bỏ hẳn quy định này để LS không còn bị làm khó nữa.

LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam:

Bỏ luôn thủ tục đăng ký

Tôi cho rằng việc bỏ thủ tục cấp GCN người bào chữa trong tố tụng hình sự là việc làm cần thiết. Thực trạng thi hành BLTTHS những năm qua cho thấy đây chính là rào cản lớn nhất, hạn chế sự tham gia của người bào chữa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đặt trong vòng tố tụng. Không có lý gì khi LS thực hiện quyền bào chữa của công dân được Hiến pháp quy định mà lại phải đi “xin xỏ” các cơ quan tố tụng. Trên thế giới, chỉ nước ta còn giữ quy định cấp GCN người bào chữa. Trung Quốc vừa qua cũng đã bãi bỏ thủ tục này.

Trước đây, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình từng có ý kiến: “Người bào chữa phải được tham gia ngay khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và họ chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng. Nên bỏ quy định phải có GCN bào chữa. Bởi vì về bản chất, quyền được nhờ người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chỉ bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng thủ tục hành chính”.

BLTTHS sửa đổi đang theo hướng bỏ GCN bào chữa, thay vào đó là giấy đăng ký bào chữa và rút ngắn thời gian đăng ký. Nhưng dự thảo lại quy định chủ thể có quyền cấp giấy đăng ký là ĐTV thay vì thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra như trước. Đây là điều chưa ổn, bởi về chủ thể trong quan hệ tố tụng thì ĐTV và LS ngang hàng nhau. Do đó, tôi nghĩ bỏ luôn thủ tục đăng ký bào chữa. Chỉ cần thẻ LS, đơn yêu cầu và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề của khách hàng mang đến thì cơ quan điều tra sẽ cập nhật vào thủ tục tố tụng và cho LS tham gia, không cần phải làm thủ tục gì khác.

Do bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Phong đang bị tạm giam, bà Vũ Thị Loan - mẹ Phong phải tự liên hệ nhờ LS Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho con mình tại TAND quận 1. Ảnh: NGÂN NGA



Giấy từ chối lấy ý kiến xác nhận của bị cáo của Trại tạm giam Chí Hòa. Ảnh do Văn phòng Luật sư Hoa Sen cung cấp

LS Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

Bỏ GCN bào chữa: Yêu cầu hợp lý và hợp hiến

Theo tôi, cấp GCN bào chữa hay giấy đăng ký bào chữa đều không cần thiết. Chỉ cần LS nộp đủ ba loại giấy (thẻ LS, giấy yêu cầu của bị can/bị cáo, gia đình hoặc người đại diện theo pháp luật của họ và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS) là phải cho LS gặp người bị tạm giữ, tạm giam để thực hiện quyền bào chữa. Khi ra vào trại giam thì LS vẫn luôn phải xuất trình thẻ LS và giấy giới thiệu và trong việc gặp gỡ phạm nhân thì LS đều phải ký nhận vào biên bản khi gặp và khi làm việc xong. Do đó, dù không có GCN bào chữa, trại giam vẫn quản lý chặt chẽ công việc của LS.

Tuy nhiên, do điều kiện của chúng ta về quản lý số hóa chưa tốt và do thói quen nên cơ quan tố tụng vẫn thấy cần có một tờ giấy do mình phát hành thì mới yên tâm. Để dung hòa, trong hoàn cảnh hiện nay thì giấy đăng ký bào chữa, như đề xuất của dự thảo BLTTHS, cũng là một giải pháp. Giấy đăng ký - chứ không phải xin phép - bào chữa như một chứng từ ghi nhận LS đã nộp đủ các loại giấy tờ cần thiết và cơ quan tố tụng cũng đã nhận đủ giấy tờ ấy.

Tuy nhiên, sự thay đổi này không giải quyết được vấn đề, nếu cơ quan tố tụng cứ khăng khăng đòi phải có sự đồng ý của người bị tạm giam, tạm giữ nhưng thực tế lại không cho LS gặp họ. Đòi hỏi phải có sự đồng ý của bị can/bị cáo là không hợp lý, vì rất hiếm trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam từ chối LS, trừ trường hợp họ bị “tác động nào đấy” nên “sợ có LS thì bị xử nặng hơn” hoặc do thiếu hiểu biết quyền bào chữa hiến định của mình. Lấy sự đồng ý ban đầu này để làm điều kiện cấp GCN bào chữa là không cần thiết, vì người được bào chữa, dù đã đồng ý, vẫn có quyền từ chối hay thay đổi LS bất kỳ giai đoạn nào.

Theo tôi, có thể giải quyết vướng mắc này như sau: Khi LS đã nộp đủ ba loại giấy tờ nêu trên với cơ quan tố tụng thì phải cho LS gặp người được bào chữa ngay lập tức. Tại cuộc gặp này, người được bào chữa xác nhận việc đồng ý cho LS bào chữa cho mình và ký vào giấy đăng ký bào chữa (theo mẫu in sẵn). Sau đó ĐTV ký xác nhận và đóng dấu vào giấy đăng ký bào chữa. Giấy này được sử dụng trong suốt các giai đoạn tố tụng, trừ phi có sự thỏa thuận hay yêu cầu thay đổi bào chữa viên.

LS Phan Ngọc Nhàn, Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk:

Tòa không làm thì ai làm được bây giờ?

Tòa phải nhận đơn của LS rồi đến trại giam xin ý kiến của bị cáo. Nếu bị cáo đồng ý thì tòa cấp GCN cho LS. Việc tòa cho rằng “sợ bị cáo ra phiên tòa từ chối LS thì giải quyết ra sao?” là lo hơi bị xa. Khi đó, tòa hỏi: “Bị cáo được quyền tự bào chữa cho mình hoặc nhờ LS”, nếu lúc đó bị cáo từ chối LS thì xem như LS… về nghỉ, chẳng sao cả. Do đó, tòa phải cấp GCN vì chỉ có tòa mới vào trại giam được. Tòa không làm thì ai làm được bây giờ!

LS Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM:

Không thể vui thì tòa cấp, không thì thôi

Tôi từng bào chữa cho nhiều bị cáo ở xa, có bị cáo bị giam tận ngoài Bắc. Vì thế, để tránh tốn công sức của tòa, lúc này tòa sẽ cấp cho LS giấy giới thiệu, nhờ có giấy này mà tôi mới có thể vào trại giam gặp được bị cáo. Từ đó mới biết được bị cáo có đồng ý mời LS tham gia bào chữa cho mình hay không. Nếu bị cáo đồng ý ký tên thì LS mang về, tòa sẽ cấp GCN bào chữa. Như thế đều thuận lợi cho cả hai bên. Chứ tòa mà ra Hà Nội thì mệt và tốn kém lắm! Tôi làm như vậy rất nhiều lần rồi. Đây không phải là chuyện vui thì tòa cấp, không vui thì tòa không cấp mà là sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu đôi bên chỉ chăm chăm cãi lý với nhau, ai đúng, ai sai chỉ làm tốn thời gian mà thôi. Nếu thẩm phán từ chối cấp GCN bào chữa, LS nên gặp trực tiếp chánh án, kèm theo văn bản nói rõ để cùng nhau có hướng giải quyết ổn thỏa.

Một trường hợp từ chối

Ngày 23-9-2014, Văn phòng LS Hoa Sen làm công văn gửi đến Trại tạm giam Chí Hòa (Công an TP.HCM) đề nghị ban giám thị hỗ trợ lấy ý kiến và xác nhận chữ ký của các bị can PVĐ, NĐT, LTL (cùng bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) về việc nhờ LS bào chữa cho các bị can trên.

Tuy nhiên, ngày 25-9-2014, Trại tạm giam Chí Hòa lại căn cứ vào Điều 49, 56, 57, 58 BLTTHS năm 2003 và Mục 2 - Phần II Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để cho rằng trường hợp trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của trại. Từ đó, trại này trả lại hồ sơ cho Văn phòng LS Hoa Sen và đề nghị văn phòng LS này liên hệ với cơ quan đang thụ lý vụ án (VKSND TP.HCM) để được giải quyết theo quy định.

Tòa cấp GCN mà không cần ý kiến bị cáo

Chỉ cần LS nộp đầy đủ giấy tờ (gồm yêu cầu mời LS bào chữa của người nhà bị cáo, thẻ LS, thẻ hành nghề, giấy giới thiệu của văn phòng LS hoặc tổ chức) cho thẩm phán được phân công giải quyết vụ án là tòa chúng tôi cấp GCN bào chữa cho LS ngay. Bởi bị cáo ở trong trại tạm giam, LS không có giấy giới thiệu của tòa cũng như GCN bào chữa thì làm sao trại giam có thể trích xuất bị cáo cho LS gặp được!

Thẩm phán Trương Việt Hồng, Chánh án
TAND huyện Cần Giờ, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới