Ngày 22-7, Bộ GTVT có thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu về vị trí xây dựng cầu Phước An (cuối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải). Đây là cây cầu nối tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Lựa chọn vị trí xây cầu
Theo đó, tại buổi họp Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nghe đại diện hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và đơn vị tư vấn trình bày báo cáo, đề xuất các phương án về vị trí xây dựng cầu Phước An. Bên cạnh đó, còn có ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và các đơn vị dự họp (lãnh đạo vụ, cục, Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng…).
Trên cơ sở ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thống nhất về nguyên tắc với phương án lựa chọn vị trí xây dựng cầu Phước An theo đề xuất của hai tỉnh. Cụ thể là chọn phương án tim cầu cách mép cảng Phước An (Đồng Nai) khoảng 150 m về phía thượng lưu so với ranh đất cảng Phước An, đảm bảo hành lang an toàn công trình tối thiểu 150 m theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn chỉnh dự án cần nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo giao thông thủy trên sông Thị Vải và các nhánh sông kết nối tại vị trí cầu Phước An.
Văn bản kết luận cuộc họp của Bộ GTVT khẳng định: “Đề nghị tỉnh Đồng Nai phối hợp và hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục chuẩn bị chủ trương đầu tư dự án. Nếu không có sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ của tỉnh Đồng Nai thì dự án rất khó hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư”.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với hai địa phương và đơn vị tư vấn rà soát, xem xét và giải quyết các vấn đề có liên quan theo thẩm quyền…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong một lần khảo sát vị trí xây cầu Phước An. Ảnh: TK
Sớm trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), thông tin thêm ban đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, cầu Phước An. Sau khi thống nhất vị trí xây dựng cầu, Ban QLDA đang rất nỗ lực cùng các sở, ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn tất thủ tục lập tờ trình, trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp sắp tới (dự kiến đầu tháng 8-2020).
Về việc thông tin trước đây đơn vị tư vấn từng nêu, nếu vị trí xây dựng cầu mới dịch chuyển nhiều hơn 100 m có thể khiến vốn đầu tư tăng khoảng 1.000 tỉ đồng, ông Trình nêu qua đánh giá kỹ lại thì thấy không tăng vốn đầu tư như lo ngại. Bên cạnh đó cũng không phải điều chỉnh quy hoạch phía huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Tuy nhiên, với phương án dịch chuyển vị trí cầu 150 m so với vị trí cảng Phước An hiện tại về phía thượng lưu sông Thị Vải, các cơ quan chuyên môn sẽ phải tính toán lại luồng để phù hợp, đảm bảo việc lưu thông của các tàu về hướng thượng lưu và hạ lưu.
Dự án có tính chất đặc biệt quan trọng Dự án cầu Phước An là dự án thành phần thuộc dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (với chiều dài là 21,3 km từ cảng Cái Mép Hạ, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu tới cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai (đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 1,4 km). Dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Qua đó kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Đồng thời dự án cũng góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến quốc lộ 51 và các tuyến đường khác. Cụ thể, khi có cầu Phước An, các phương tiện đi từ TP.HCM về Vũng Tàu hoặc ngược lại có thể chọn lựa lưu thông “né” quốc lộ 51 bằng cách đi theo lộ trình qua đường Long Sơn - Cái Mép (đang được đầu tư) đến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ). Sau khi qua cầu Phước An sẽ đi vào đường 319 nối dài (huyện Nhơn Trạch, đang được đầu tư) để kết nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để về TP.HCM. Hàng hóa, phương tiện lưu thông từ cảng Cái Mép - Thị Vải cũng có thể qua cầu Phước An kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành để đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ mà không phải di chuyển một phần qua quốc lộ 51. |