Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng.
Theo đó, Chính phủ cho rằng tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm 2023, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập các nước để đầu tư hiệu quả hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tiếp thu ý kiến trên, Chính phủ cho biết tháng 2-2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 49, trong đó định hướng: “Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn… xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới”.
Để cụ thể mục tiêu trên, Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, với các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại Nghị quyết 178/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 49/2023 của Bộ Chính trị.
Các quyết định trên của Chính phủ hướng đến việc chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu thực hiện. Trong đó, giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương tổ chức tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao để nghiên cứu đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hiệu quả.
Hiện Bộ GTVT đã và đang tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Song song đó, tổ chức đoàn công tác liên ngành trực tiếp khảo sát tại 5 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới để hoàn thiện đề án chủ trương đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Tại cuộc họp với các bộ ngành mới đây, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý Bộ GTVT đánh giá toàn diện các yếu tố: Công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.
Về tốc độ thiết kế, Bộ GTVT cần tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới. Song song đó, bộ cần phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tải hàng hóa.
Về chuyển giao công nghệ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất lập đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ.
Bộ GTVT cũng được giao nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí...
Ba kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tháng 12-2023, Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để Chính phủ tiếp tục xem xét cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.
Trong đó, Bộ GTVT đưa ra ba kịch bản đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đề xuất lựa chọn kịch bản 3.
Cụ thể, kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD.
Kịch bản 3 nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD. Ưu điểm của kịch bản 3 là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đề nghị nên chọn làm tuyến đường sắt tốc độ cao trên, dưới 200km/giờ để vừa chở được khách và hàng. Nếu tốc độ cao không thể vừa chở khách và hàng, trường hợp muốn chở cả khách và hàng phải giảm tốc độ, khiến năng lực thông quan giảm.