Bỏ lơi quy định quản lý tàu du lịch!

Thiếu quy định thống nhất cả nước

. Thưa ông, việc quản lý tàu du lịch trên sông hiện được thực hiện thế nào?

+ Chủ các phương tiện đăng ký hoạt động tại sở GTVT tỉnh, TP để được cấp phép hoạt động như các tàu chở hành khách theo các tiêu chí trong quy định đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

. Tàu chở khách bình thường và tàu chở khách du lịch có sự khác biệt chứ?

+ Thật ra thì khi đăng kiểm đều là tàu chở khách. Tuy nhiên về luật, khách đi tàu chở khách thông thường thì không được lên mui tàu ngắm cảnh theo Luật Đường thủy nội địa. Với tàu du lịch thì khách có quyền đi lại, lên mui tàu. Vấn đề “lạ lùng” này các cơ quan quản lý biết nhưng lâu nay không xử lý được vì sự chồng chéo giữa Luật Đường thủy nội địa và Luật Du lịch.

Các vấn đề về tiêu chuẩn tàu thuyền du lịch cho khách trú ngụ qua đêm, chứng chỉ nghiệp vụ của thuyền trưởng, phục vụ… là tùy từng tỉnh quy định chứ chẳng có bộ, ngành nào đưa ra quy định cụ thể. Ngay cả chuyện nhân viên phục vụ, thuyền trưởng, máy trưởng… cần có chứng chỉ cứu hộ cứu nạn thế nào thì ngành du lịch và GTVT đều chưa có quy định cụ thể.

. Theo ông, đâu là những bất cập lớn nhất trong lĩnh vực quản lý tàu thuyền du lịch?

+ Hiện bến bãi du lịch thì có cấp phép. Về nguyên tắc, khi anh đi hoặc đến một bến bãi thì mới dừng, đỗ hoặc đậu. Nhưng trong du lịch, nhiều khi chiều lòng khách nên các chủ tàu, thuyền trưởng vẫn dừng tàu ở những nơi mà khách yêu cầu. Các cơ quan quản lý rất khó quản vì các quy định hiện nay về tàu, thuyền du lịch không rõ ràng.

Bỏ lơi quy định quản lý tàu du lịch! ảnh 1

Khuya ngày 20-5, lực lượng cứu hộ trắng đêm tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Ảnh: MP

Bỏ lơi quy định quản lý tàu du lịch! ảnh 2

Một tàu du lịch có cả khách sạn của khu du lịch Dìn Ký. Ảnh: MP

Ngoài ra, ta cần đặt vấn đề hệ thống bằng cấp trong lĩnh vực tàu du lịch phải cao hơn đối với người điều khiển tàu chở hàng hóa vì nó liên quan rất nhiều đến sinh mạng con người. Do đó, những người phục vụ trên tàu cần phải có chứng chỉ cứu hộ khi có sự cố xảy ra nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí này.

Tháng 6: kiểm tra tàu du lịch toàn quốc

. Trong quy định thì việc vận chuyển khách phải có bến đi, bến đến. Nhưng thực tế tàu chở khách du lịch vẫn tự dừng theo yêu cầu của khách như ông nói thì xử lý sao?

+ Chúng ta cần nhìn lại và có những quy định cụ thể cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế để vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy, vừa đảm bảo phát triển ngành dịch vụ du lịch trong thời gian tới.

. Như ông đã nói, bất hợp lý lớn nhất hiện nay là các cấp quản lý nhà nước chưa đưa ra các quy định phân ranh giữa phương tiện chở khách thông thường và chở khách du lịch. Vậy sắp tới Cục Đường thủy nội địa sẽ có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp cùng Cục Đăng kiểm và Cục CSGT đường thủy tiến hành kiểm tra tất cả tàu du lịch trên toàn quốc. Kế hoạch này đã được làm xong và bắt đầu từ tháng 6, chúng tôi sẽ đi kiểm tra ở tất cả tỉnh, thành để nắm tình hình chung rồi đưa ra hướng khắc phục những bất cập trong quản lý.

Lâu nay, nhiều tàu thuyền chở khách du ngoạn nhưng chẳng có nhân viên lập danh sách khách đang ở trên tàu. Sắp tới, Cục Đường thủy nội địa sẽ có văn bản kiến nghị để Bộ GTVT ban hành các quy định liên quan.

. Xin cảm ơn ông.

Năm tháng, ba tàu du lịch chìm

Chiều 8-1-2011, nhà hàng nổi Mỹ Khánh đã bị chìm trên sông Cần Thơ. Sự cố xảy ra khiến nhiều thực khách chen lấn, xô đẩy nhau và nhảy xuống sông để bơi lên bờ. Một số phụ nữ đã ngất xỉu, hai người khác sau khi nhảy sông đã bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ngày 17-2-2011, tàu du lịch QN5198 thuộc Công ty TNHH Trường Hải (Quảng Ninh) chở du khách nghỉ qua đêm trên vịnh Hạ Long đã bị chìm làm 12 người chết, trong đó có 10 người nước ngoài. Nguyên nhân dẫn đến chìm tàu là do máy trưởng khi tắt máy tàu đã không đóng các van ở ống thông sông. Thuyền trưởng cũng như các thuyền viên đã bỏ trực đêm, khi nước tràn vào gần đắm tàu họ mới phát hiện và không kịp xử lý.

Ngày 20-5, tàu du lịch Dìn Ký bị chìm trên sông Sài Gòn làm 16 người chết.

Cần phân biệt tàu du lịch và tàu khách thông thường

Với các quy định hiện nay, chúng ta không thể biết đâu là tàu du lịch và đâu là tàu chở khách bình thường. Phần lớn mô hình tàu kết hợp nhà hàng trên sông này hoạt động bằng sự tự thỏa thuận giữa khách và chủ tàu. Ta chưa có khung pháp lý nên đành chịu. Cần có các quy định riêng cho loại hình đặc thù này thì mới quản lý được...

Ông NGÔ ĐÌNH QUANG,
Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM

Các bộ, ngành cần ngồi lại

Nhiều tàu thuyền khi đăng kiểm là chở khách thông thường nhưng hoạt động thì lại chuyển sang chở khách du lịch vì các quy định pháp luật hiện hành chưa rạch ròi. Để đảm bảo an toàn, các bộ, ngành cần ngồi lại để đánh giá và đưa ra các quy định cụ thể với các điều kiện như thuyền trưởng, tổ chức khai thác, phương tiện cần trang bị… Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan để bàn bạc và sớm ban hành các quy định này.

Cạnh đó, UBND các tỉnh, thành cần khảo sát tình hình sông nước cụ thể của địa phương mình để đưa ra các quy định cho phù hợp với thực tế. Tỉnh Quảng Ninh đã làm rồi. Họ đưa ra các quy chuẩn thế nào là tàu du lịch, thế nào là tàu đưa đón khách thông thường. Nếu chúng ta không đưa ra các quy định cụ thể thì tai nạn sông nước sẽ tăng lên vì hiện tỉnh, thành nào cũng có tàu, thuyền hoạt động du lịch.

Ông ĐỖ TRUNG HỌC,
Trưởng phòng Quản lý tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam

VĂN THUẬTthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm