Theo dự thảo này, hàng loạt điều kiện kinh doanh đã được dỡ bỏ.
Doanh nghiệp sản xuất, chế biến khí chỉ cần có bồn chứa và trạm nén khí nhưng không bị ràng buộc bởi dung tích, công suất. Nghị định 19/2016 bắt buộc phải có bồn chứa CNG với tổng dung tích tối thiểu 200.000 m3; trạm nén khí CNG có công suất tối thiểu 3.000 Sm3/h (ba nghìn mét khối tiêu chuẩn trên giờ).
Các điều kiện đối với thương nhân phân phối khí như dung tích, số lượng chai... đều bị bỏ.
Điều kiện tổng đại lý kinh doanh có kho với tổng sức chứa tối thiểu 2.000 (hai ngàn) chai cũng được dỡ bỏ.
Trong tờ trình, Bộ Công Thương cho rằng “thời gian qua đã rất lắng nghe các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp về thủ tục chính sách nhằm cải cách thể chế toàn ngành một cách sâu, rộng”.
Bộ nhận định “việc quy định điều kiện dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3; 60.000 m3; 200.000 m3... là quá lớn. Các điều kiện kinh doanh trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động có hiệu quả.
Điều này sẽ gây ra những thiệt hại cho các doanh nghiệp nói trên, các doanh nghiệp này muốn tiếp tục kinh doanh thì phải đáp ứng được các điều kiện trên, tức là bình quân mỗi doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Bộ cũng nhận định “quy định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí sở hữu, đồng sở hữu cầu cảng thuộc hệ thống cầu cảng Việt Nam quy định tại Điều 7 của Nghị định 19/2016/NĐ-CP là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Mặt khác với quy định này buộc các doanh nghiệp phải đầu tư lớn để xây dựng cầu cảng thuộc sở hữu của mình để tuân thủ các điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, điều đó sẽ gây khó khăn và lãng phí cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Việc này doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự chủ và đi thuê cầu cảng của các doanh nghiệp khác đã có cầu cảng sẵn để tiếp nhận khí từ tàu phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình được thuận lợi, chứ không nhất thiết doanh nghiệp nào cũng phải có cầu cảng”.
“Quy định trạm nạp LPG vào chai, trạm nạp khí vào phương tiện vận tải, trạm cấp khí phải thuộc sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối khí tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP. Với quy định này thì buộc các trạm nạp, trạm cấp khí phải thuộc “sở hữu” của thương nhân đầu mối và có sự phân biệt và gây khó khăn cho các trạm nạp, trạm cấp khí đã tồn tại độc lập kinh doanh hợp pháp, buộc các trạm này phải phá sản hoặc mua bán, sát nhập cho các thương nhân đầu mối”.
Mặt khác, tờ trình này cũng cho thấy “Nghị định 19/2016/NĐ-CP quy định phân phối khí (LPG) thông qua thương nhân phân phối rồi đến tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ LPG chai. Với quy định này thì hệ thống phân phối từ thương nhân đầu mối qua hệ thống tổng đại lý và qua đại lý rồi qua các cửa hàng của tổng đại lý và đại lý sẽ tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho doanh nghiệp... do vậy sản phẩm đến người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi chất lượng và giá cả... Việc thiết lập hệ thống phân phối hay không là do sự tự chủ của doanh nghiệp, căn cứ vào quy mô và năng lực của mình để thiết lập đảm bảo phù hợp các quy định về thiết lập đại lý như quy định của Luật Thương mại, không nhất thiết tất cả các thương nhân kinh doanh khí đều phải thiết lập hệ thống phân phối của mình như Nghị định 19/2016/NĐ-CP đã quy định”.
Vì vậy, hầu hết những điểm bất hợp lý kể trên đều được dỡ bỏ trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí.