Bởi cũng chỉ mới cách đây vài tháng, hàng trăm doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas vẫn đang thấp thỏm, lo ngại có thể bị đóng cửa, phá sản hoặc phải gồng mình lên đáp ứng yêu cầu của Nghị định 19.
Thế nên khi biết tin và nội dung của dự thảo nghị định mới, họ thở phào nhẹ nhõm. Họ kỳ vọng sắp tới sẽ không phải tốn hàng chục tỉ đồng cho những quy định vô lý, thiếu thực tế như thương nhân phân phối gas phải có 100.000 vỏ bình, bồn chứa 300 m3…
Không chỉ có quy định trên dự kiến được bãi bỏ mà những quy định về tầng nấc phân phối, thời gian giải quyết đăng ký kinh doanh gas cũng rút xuống đáng kể.
Với hành động trên, Bộ Công Thương đã và đang từng bước đi đầu trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh cho người dân và DN. Những động thái như cắt giảm 15 thủ tục, đơn giản hóa hàng trăm thủ tục khác trong lĩnh vực của bộ này cũng để đáp ứng cho thấy quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo Bộ đòi hỏi của thị trường.
Dẫu biết rằng sự đổi mới, thay đổi nào cũng gặp khó khăn, thậm chí chống đối nhưng Bộ Công Thương có lẽ đang tích lũy cho mình kinh nghiệm vượt qua những thách thức này. Đơn cử như dự thảo nghị định kinh doanh gas. Trong khi các DN nhỏ và vừa kinh doanh gas háo hức chờ đợi với hy vọng được “cởi trói” thì những ông lớn ngành gas lại tỏ ra lo ngại vì những lý do như gian dối kinh doanh hay an toàn cháy nổ. Lẽ ra những quan ngại này phải thuộc trách nhiệm của cơ quan khác hoặc chỉ cần áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000 là giải quyết được vấn đề.
Nhưng khó khăn không chỉ đến từ bên ngoài, ngay trong nội bộ không hẳn tất cả đã ủng hộ những chủ trương đúng đắn, hợp hiến và thị trường này. Nói như thế để thấy rằng việc thay đổi, tháo cởi những rào cản cho người kinh doanh là không dễ dàng. Từ bỏ quyền lực là điều không dễ.
Lẽ dĩ nhiên, không điều gì là hoàn hảo. Ngay cả dự thảo này, dù đã cởi trói rất nhiều cho DN song nó vẫn còn những điểm mà nếu không giải quyết dứt điểm thì sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ. Chẳng hạn, dự thảo nghị định vẫn còn quy hoạch phát triển kinh doanh khí tại Điều 5 trong khi theo các chuyên gia, quy luật thị trường sẽ không bao giờ trùng với ý chí của cơ quan soạn thảo.
Cuối cùng, mong muốn của cộng đồng DN là nghị định mới này sớm được ban hành. Bởi nếu nghị định tiến bộ này được ban hành sớm, các DN nhỏ sẽ không tiếp tục bị loại bỏ khỏi thị trường. Nó cũng phát đi thông điệp Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế.
Đồng thời ban hành sớm nghị định này, Bộ Công Thương cũng sẽ hoàn thành cam kết chính trị của mình trước nhân dân trong khía cạnh tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.