Bộ nào cũng muốn ‘ôm quyền’, sao mà làm luật?

Ngày 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) trải qua một ngày làm việc căng thẳng vì hai dự án luật (Luật Quy hoạch và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ) do Chính phủ ủy quyền cho Bộ KH&ĐT trình đều có nhiều ý kiến phản đối. Đến nỗi Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phải thốt lên các bộ, ngành góp ý làm luật theo kiểu “chỉ soi xem có ảnh hưởng đến bộ mình không chứ không vì cái chung, không mang tính xây dựng”.

Chậm do các bộ, ngành thiếu trách nhiệm

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho hay: “Tới ngày 29-9-2016, Ủy ban Kinh tế mới nhận được hồ sơ trình dự án luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định. Thời gian trình quá gấp, một số nội dung trong báo cáo thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động không tương thích, nhất quán với nội dung của dự thảo luật”.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng “than phiền” đến 11 giờ đêm qua (ngày 5-10) bà mới nhận được hồ sơ và chỉ kịp đọc báo cáo tóm tắt, báo cáo thẩm tra. “Chúng ta phải đảm bảo chất lượng của nội dung luật, nếu nghiên cứu không kỹ thì trình ra QH sẽ hời hợt, chất lượng không đảm bảo” - bà Ngân nói.

Điều đặc biệt, mặc dù dự luật được trình chậm nhưng chính các cơ quan thuộc Chính phủ lại chưa có ý kiến thống nhất. Điều này được Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển dẫn chứng: Bộ Tài chính cũng bác hết các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế. Ngân hàng Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Bộ Công Thương lo đến khả năng bị kiện ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng… “Tôi chỉ trích ý kiến một số bộ, ngành như thế thì đã có chuyện rồi. Chưa kể, đánh giá tác động của dự thảo luật thì thấy có vẻ khả thi nhưng thực tiễn lại khác xa đấy” - ông Hiển nói.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải thích: “Việc chuẩn bị chậm là có nhưng là do cách tổ chức thực hiện làm luật của ta chưa tốt. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mời họp nhiều lần các bộ, ngành liên quan. Nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu mang tính soi xét xem có ảnh hưởng đến bộ mình không chứ không mang tính xây dựng, không vì cái chung”.

Theo ông Dũng, việc ra chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ trương lớn của đất nước, nhằm tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển. Mặc dù Bộ KH&ĐT đã làm rất công phu nhưng các bộ, ngành không góp ý xây dựng, việc phải đẩy lên Chính phủ quyết. Ông Dũng cho rằng cách làm của các bộ, ngành như vậy là thiếu trách nhiệm, đồng thời khẳng định: “Sau khi Chính phủ họp, Thủ tướng có quyết định thì văn bản (hồ sơ dự án luật) hôm nay là ý kiến cuối cùng của Chính phủ. Các bộ nào phát biểu khác đều không có ý nghĩa”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Các bộ chỉ soi xem có ảnh hưởng đến bộ mình không chứ không vì cái chung, không mang tính xây dựng. Ảnh: QH

Ba bộ thảo luận ba năm, ra TVQH vẫn phản đối

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự khi dự án Luật quy hoạch do Bộ KH&ĐT trình chiều cùng ngày đã nhận được ý kiến phản đối của đại diện ba bộ (Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT).

Trước việc bãi bỏ, sửa đổi một số quy hoạch của bộ, ngành trước đây vẫn nắm giữ (Điều 67 của dự án luật), đại diện của các bộ, ngành đều đưa ra ý kiến khác.

Đại diện ngành TN&MT cho rằng “không thể bãi bỏ một cách cơ học nhiều nội dung như vậy, nếu không sẽ ảnh hưởng quản lý ngành”. Ví dụ, quy hoạch sử dụng đất là công cụ quản lý đất đai từ trước đến nay, nếu quy định như dự thảo thì không có căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất nữa. Tương tự, đại diện của Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng nếu quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý ngành.

Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tỏ ra băn khoăn: “Chính phủ trình dự án luật sang đây nghĩa là Thủ tướng đã đồng ý. Có thể trong quá trình trình sang đây các bộ, ngành còn một số ý kiến. Điều tôi băn khoăn tại sao trong phiên thảo luận của Chính phủ các đồng chí không nói như nói ở đây, có nêu khó khăn, vướng mắc như vậy hay chưa?”. Theo đó, ông Lưu đề nghị Bộ KH&ĐT giải trình thêm.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay bộ này - cơ quan soạn thảo luật đã rất công phu đi từng bộ, ngành lấy ý kiến và đến giờ Thủ tướng đã ủy quyền cho bộ trình dự luật ra TVQH. “Ý kiến của ba bộ chúng tôi đã thảo luận ba năm nay. Chúng tôi khẳng định nếu cứ làm như cũ thì đất nước ta không phát triển. Cách làm của ta cứ quen phải quản lý bằng quy hoạch là không phù hợp với cơ chế thị trường. Cứ quy hoạch bao nhiêu hecta nuôi tôm, trồng bao nhiêu lúa… đấy là cách làm bao cấp, giữ cơ chế xin-cho. Giờ là tiền trong túi xã hội, do nhu cầu thị trường quyết định, nên các bộ, ngành phải thay đổi cách quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn”.

Ông Đông cũng khẳng định Luật Quy hoạch khi ra đời sẽ động đến các quy hoạch khác, tuy nhiên dự luật này sẽ không phải là bỏ đi các quy hoạch khác mà thay đổi quản lý theo phương pháp tích hợp, các quy hoạch riêng sẽ phải bám theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị sẽ đưa dự luật này ra xin ý kiến QH vào kỳ họp 2 sắp tới. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải tiếp thu, chỉnh sửa, đánh giá tác động của dự luật… để ngày 10-10 tất cả tài liệu về dự luật phải được hoàn thành để gửi các đại biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm