Thông tin chung về cúm heo, Bộ NN&PTNT cho biết vào ngày 28-4, một bài báo đăng trên trang web của Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc cho biết kết quả giám sát huyết thanh học từ công nhân, người chăn nuôi heo phát hiện được 35/338 người chăn nuôi heo có kháng thể kháng virus cúm EA H1N1/G4 (dòng virus lưu hành phổ biến nhất trên heo tại Trung Quốc). Đặc biệt là những người có độ tuổi từ 18 – 35 tuổi có kết quả huyết thanh dương tính là 20,5% (9/44).
Kết quả trên cho thấy virus H1N1 G4 đã tăng sự thích nghi trên người, làm tăng mối lo ngại về khả năng tạo ra chủng virus mới có thể gây đại dịch.
Sau khi bài báo được phát hành, chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết virus cúm heo H1N1 G4 không phải là mới và không gây bệnh cho con người và động vật một cách dễ dàng. Một chủng tương tự như G4 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan ở Trung Quốc theo dõi, giám sát liên tục kể từ năm 2011.
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều có đủ khả năng nguyên liệu xét nghiệm, phát hiện virus cúm nói chung, trong đó có virus cúm heo, kể cả chủng pdm/09 H1N1 bằng phương pháp Real-time PCR và giải trình tự gen của virus cúm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy virus H1N1 G4 đã tăng sự thích nghi trên người. Ảnh minh họa
Đề xuất một số giải pháp phòng, chống bệnh cúm trên động vật, trong đó có bệnh cúm heo, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng cho bộ này chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giám sát cúm heo ở heo và ở người. Đặc biệt là chủng pdm/09 H1N1 và các chủng có khả năng lây sang người. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các nước, các tổ chức quốc tế thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về cúm heo.
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và văn bản hướng dẫn cụ thể phòng, chống bệnh cúm heo.
Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhưng không gây hoang mang cho cộng đồng.