Thịt nhiễm dịch tả heo châu Phi có gây nguy hiểm cho người?

Dịch tả heo châu Phi gây tỉ lệ heo chết lên đến 100%

Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên loài heo, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang virus suốt đời. 

Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho hay: Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), đến ngày 15-9-2018 đã có 19 quốc gia như Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Tchad, Trung Quốc, Cote D'Ivoire, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Kenya, Latvia, Litva, Moldova, Nigeria, Ba Lan, Rumani, Liên bang Nga, Nam Phi, Ukraina và Zambia báo cáo bệnh dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo bệnh là 309.452 con, số heo chết vì bệnh là 100.139 con, tổng đàn heo có nguy cơ, đã buộc phải tiêu hủy là 704.588 con.

Dịch tả heo châu Phi gây tỉ lệ heo chết lên đến 100%. Ảnh: Internet

Tại Trung Quốc: Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tính từ đầu tháng 8 đến 14-9-2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 20 ổ dịch xuất hiện tại sáu tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang). Tổng cộng đã có hơn 50.000 con heo các loại đã buộc phải tiêu hủy.

Virus dịch tả heo châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Theo Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN&PTNT TP.HCM, tuy chưa phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng vừa qua, do biến động của giá thịt heo tăng cao, một số tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam đã có hiện tượng thương lái nhập lậu thịt heo, heo con thương phẩm, vận chuyển trái phép vào Việt Nam để tiêu thụ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, trong đó có địa bàn thành phố. Được biết hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ gây tác hại rất lớn cho ngành chăn nuôi và rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, các biện pháp chủ yếu như kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm của heo nhập vào thành phố và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. 

Trước diễn biến nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), Sở NN&PTNT, UBND TP.HCM đã chủ động thực hiện một số biện pháp phòng chống, ngăn chặn nguy cơ, không để bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra và lây lan trên địa bàn thành phố như:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh. Nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng biện tích điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi, các trường hợp vận chuyển, bán chạy gia súc mắc bệnh, kịp thời báo ngay với cơ quan thú y để phối hợp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh (nếu có), đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh.  

- Khuyến cáo cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tăng khả năng đề kháng của gia súc; thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng; vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ gàng, đã qua kiểm dịch thú y.

- Tập trung thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, đảm bảo đạt tỉ lệ 100% tổng đàn và trên 80% gia súc thuộc diện tiêm phòng. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định.

 - Kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, các tuyến đường nhỏ thông với các trục đường chính ra vào thành phố, các khu vực giáp ranh với các tỉnh nhằm kiểm soát các trường hợp bán chạy gia súc mắc bệnh, gia súc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhiễm và lây lan vào thành phố. 

Ngoài ra, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với các đoàn liên ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các quận/ huyện: Thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh tại thành phố và trên cả nước; cung cấp nội dung tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về những tác hại của bệnh dịch tả heo châu Phi. Đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia súc và thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng bổ sung theo lứa tuổi các bệnh bắt buộc tiêm phòng theo quy định; đề xuất các biện pháp xử lý đối với các trường hợp không chấp hành tiêm phòng hoặc tình trạng giấu bệnh tại các cơ sở chăn nuôi.

- Giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn; bắt buộc các cơ sở chăn nuôi, nhất là tại khu vực chăn nuôi của các hộ nhập cư, thực hiện nghiêm việc báo cáo tình hình dịch tễ theo định kỳ, nguồn heo xuất, nhập đàn phải thực hiện đúng quy trình kiểm dịch. Xử lý theo quy định đối với trường hợp nhập heo không rõ nguồn gốc vào các cơ sở chăn nuôi. Thông tin đến các cơ sở chăn nuôi về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học.

- Tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc vào thành phố. Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố chốt chặn, giám sát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc tại các cửa ngõ, các tuyến đường ra vào thành phố, đảm bảo nguồn gia súc an toàn để cung cấp thực phẩm cho thành phố. Tuân thủ chặt chẽ các quy trình nhập gia súc vào cơ sở giết mổ, đảm bảo nguồn gia súc nhập có nguồn gốc, có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kiểm dịch theo đúng quy định, đặc biệt là nguồn gia súc từ các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc.

- Tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. 

Thịt heo nhiễm dịch tả heo châu Phi có gây hại cho sức khỏe?

Theo Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, không giống như cúm heo hay các bệnh dịch khác của heo, dịch tả heo châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đến sức khỏe con người. Trả lời trên VnExpress,  PGS Nguyễn Bá Hiên (khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay dịch tả heo không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ. 

Dịch tả heo châu Phi không gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe con người. Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn luôn khuyến cáo thịt heo cũng như tất cả loại thịt sống khác cần được chế biến kỹ trước khi ăn, vì chúng có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Nên giữ lạnh và để riêng biệt thịt heo sống với các thực phẩm khác trước khi nấu.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần sử dụng thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Heo mắc bệnh tả sẽ chết 100% chỉ trong 5-7 ngày. Vi khuẩn tả trong thịt heo chết ở nhiệt độ 70 độ C.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

(PLO)- Bạn muốn ngủ ngon hãy uống trà hoa cúc, hạt rau mùi, ăn hạt nhục đậu khấu... bởi chúng là những loại thực phẩm giúp sản xuất melatonin để ngủ ngon hơn.

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta.