DỪNG NGHIỆM THU ÔTÔ CẢI TẠO:

Bộ quyết đột ngột, chủ xe lao đao

Mọi việc do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ra văn bản số 1782 về việc dừng ngay nghiệm thu ôtô cải tạo.

Văn bản có hiệu lực kể từ ngày ký 16-3 đang làm nhiều chủ xe lao đao.

Bộ quyết đột ngột, chủ xe lao đao ảnh 1

Chủ một gara ở quốc lộ 1A, Q.Bình Tân, TP.HCM bên chiếc xe chở hàng đông lạnh được kéo dài thùng và nới thêm sườn - Ảnh: Đức Thanh

Chủ xe “khóc”

Số lượng xe cải tạo ở TP.HCM đang giảm

Theo Sở GTVT TP.HCM, năm 2006 sở đã thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ theo quyết định 15 của Bộ GTVT là 3.091 xe. Năm 2010 là 2.450 xe, giảm 5,7% so với năm 2009. Năm 2011 là 2.100 xe, giảm 14,3% so với năm 2010.

Tự tay tháo những tấm bửng sắt từ chiếc sơmi rơmooc vừa được cải tạo hai tháng trước xuống, ông Hoàng Em, chủ nhà xe Hoàng Em (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM), cho biết chiếc sơmi rơmooc ông mua lại với giá hơn 100 triệu đồng có kích thước thùng 12,427x2,480x1,450m.

Để đáp ứng nhu cầu các mối hợp đồng dài hạn thuê chở hàng nông sản, thức ăn gia súc là loại hàng rất bụi, cần thùng thông thoáng để dễ chất xếp, hai tháng trước ông đóng lại thùng kích thước 12,427x1,500x4,000m mất hơn 70 triệu đồng. Đóng xong nộp đơn chờ một tháng để duyệt hồ sơ cải tạo từ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai. Hai tuần trước, khi đủ hồ sơ ông đưa xe đi xét tại Trung tâm đăng ký xe 282 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thì được thông báo những trường hợp hoán đổi, cải tạo thùng xe như trường hợp của ông, Bộ GTVT đã yêu cầu dừng xét đăng ký.

“Tui phải tốn thêm 5 triệu đồng thuê thợ sắt dỡ bỏ thùng. Nhìn đống bửng chất đống, nghĩ sắt vụn, một bà ve chai đi ngang trả 8.000 đồng/kg” - ông Em nói. Cũng theo ông Em, đa số hợp đồng vận tải của ông chở thức ăn gia súc và công nhân không chịu bốc dỡ hàng nếu thùng xe nhỏ. Khi không đăng ký được “dù tiếc đứt ruột nhưng buộc lòng tui phải gỡ bỏ”.

Nằm phơi nắng trong bãi của gara Ba Chia (quốc lộ 1A, Q.Bình Tân) là chiếc Hyundai có tải trọng 13 tấn. Theo ông Hứa Văn Chinh - chủ gara sửa chữa ôtô Ba Chia, chủ xe trên phải tốn 30 triệu đồng để trả lại đúng kích thước chuẩn của xe, sau khi kéo dài thêm 0,7m để chở hàng đông lạnh. Ông Chinh nói chủ chiếc xe này đã trả tiền kéo dài thùng, sườn và rời cầu cho xe là 200 triệu đồng. Không được thẩm định, chủ phải tốn tiền để “cải lùi” xe về kích thước cũ.

Theo ông Chinh, đa số các loại xe chở hàng đông lạnh phải kéo dài thùng để đáp ứng đòi hỏi của chủ hàng, xe nào thùng đúng chuẩn bị chê. “Xe đông lạnh kéo dài thùng chỉ để tăng diện tích chứa hàng. Vì loại hàng đông lạnh đựng trong két nhựa, chiếm diện tích thùng xe khá nhiều. Thông thường xe đông lạnh có tải trọng 13-15 tấn nhưng chỉ chở được 11 tấn, buộc chủ xe phải cải tạo kéo dài thùng xe để lấy khách” - ông Chinh nói. Ông Tô Phước, chủ doanh nghiệp vận tải Tô Châu, ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân, cho biết các công ty vận tải đa số mua xe cũ về cải tạo hoặc hoán đổi công năng kinh doanh mới có lãi. Số tiền bỏ ra mua xe mới có tải trọng hoặc có công năng đúng với mục đích mà doanh nghiệp cần, giá thành sẽ cao gấp đôi, doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Bộ quyết đột ngột, chủ xe lao đao ảnh 2

Ông Hoàng Em - chủ nhà xe ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - gỡ những thanh sắt trên sơmi rơmooc xuống do không đăng kiểm được - Ảnh: Đức Thanh

Quá đột ngột

Theo một cán bộ Sở GTVT TP.HCM, văn bản 1782 do bộ trưởng Bộ GTVT ký là một văn bản “cửa quyền” vì đã ra lệnh rất đột ngột đến các sở GTVT cả nước dừng ngay cải tạo xe. Văn bản này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều chủ xe và doanh nghiệp vì Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT dừng ngay (có hiệu lực kể từ ngày ký 16-3) việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Trong khi đó, mãi đến chiều 19-3, Sở GTVT TP.HCM mới nhận được văn bản của bộ thì sở đã hoàn tất hồ sơ cho khoảng 60 xe của các chủ xe và doanh nghiệp chuẩn bị đưa xe đi nghiệm thu. Đến nay, sở không biết sẽ xử lý số xe này thế nào vì các đơn vị đăng kiểm không chịu xét các xe này. Theo ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ngày 21-3 sở đã ngay lập tức có kiến nghị bộ cho giải tỏa những hồ sơ cải tạo xe đã được nghiệm thu, nhưng đến nay bộ chưa có phản hồi.

Công văn “hủy” thông tư

Các cán bộ ngành đăng kiểm và Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận văn bản 1782 đưa ra lý do dừng cải tạo xe là do chủ xe lợi dụng chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế làm hư hỏng nghiêm trọng cầu, đường bộ và gây mất an toàn giao thông là không thuyết phục. Bởi tất cả các xe cải tạo do Sở GTVT TP.HCM xem xét thiết kế và ngành đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đăng kiểm chỉ cho phép xe được chở hàng đúng theo thiết kế của nhà sản xuất. Như vậy, không có chuyện xe đã cải tạo được các sở và ngành đăng kiểm cho phép xe chở hàng quá tải. Cán bộ đăng kiểm cho biết việc xe có cải tạo hoặc không cải tạo chở hàng quá tải là một chuyện khác và việc xử lý xe chở hàng quá tải sẽ do các cơ quan chức năng xử phạt.

Một số cán bộ Cục Đăng kiểm nhận định văn bản số 1782 là một công văn không đủ hiệu lực để có thể thay thế quyết định số 15 do Bộ GTVT ban hành quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Công văn này cũng không đủ để hủy bỏ thông tư số 21/2010 cũng do bộ này ban hành ngày 20-8-2010 hướng dẫn thực hiện nghị định số 95/2009 của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng đối với ôtô chở hàng có niên hạn 20 năm và ôtô chở người có niên hạn 25 năm. Trong thông tư 21, Bộ GTVT đã cho phép ôtô chở khách hết niên hạn sử dụng 20 năm được cải tạo chuyển đổi công năng thành ôtô chở hàng hóa có niên hạn sử dụng 25 năm.

Còn theo văn bản 1782 thì không cho cải tạo cũng đồng nghĩa chủ xe chở khách có niên hạn sử dụng 20 năm chỉ còn nước đem xe bán phế liệu, thay vì tốn một số tiền cải tạo thành xe chở hàng hóa để sử dụng thêm năm năm như nghị định 95 cho phép. Trong điều kiện nền kinh tế còn nghèo, các nghiệp chủ và doanh nghiệp có yêu cầu cải tạo xe để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách rất cần những văn bản của Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn nhưng văn bản 1782 đã không tạo ra lộ trình hợp lý trong việc dừng cải tạo xe.

Ông ĐINH NAM DINH (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Cần giải tỏa ngay “lệnh cấm”

Nhà nước cho cải tạo xe sẽ giúp chủ xe giảm nhiều chi phí thay vì mua xe mới. Chẳng hạn như xe tải được cải tạo gắn thiết bị nâng hàng để xe có thể chở được xe gắn máy, thay vì tốn rất nhiều tiền để mua xe chuyên dùng chở xe gắn máy. Đề nghị Bộ GTVT bãi bỏ ngay lệnh cấm cải tạo xe rất vô lý. Không nên lấy lý do vì cải tạo xe gây hư hỏng đường sá. Vấn đề chính là Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm và các sở GTVT thẩm định thiết kế đảm bảo an toàn về kỹ thuật xe.

Ông NGUYỄN HƯƠNG (giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Sở GTVT Đà Nẵng):

Nên cấp giấy cho xe đã thay đổi trước 16-3

Hiện tại TP Đà Nẵng có hàng trăm xe tải và khoảng vài chục xe ben từ các địa phương khác đến hoạt động ở các công trường san lấp mặt bằng rơi vào các trường hợp trên. Nếu chiếu theo quy định này, khi hết thời hạn đăng kiểm các xe trên buộc phải ngừng hoạt động. Trường hợp các xe muốn hoạt động cũng rất khó khăn vì phải sửa chữa, thay đổi giống y kích cỡ thân xe, thùng xe... ban đầu của nhà thiết kế. Hiện đơn vị vẫn băn khoăn và có kiến nghị Bộ GTVT cho hồi tố (đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật) đối với các phương tiện đã thay đổi kích thước xe trước ngày 16-3.

Ngọc Ẩn - Hữu Khá

Theo Ngọc Ẩn - Đức Thanh (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm