Bộ Tài chính vừa gửi hồ sơ dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước, theo đó đề xuất cân nhắc không giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước đã được thực hiện trong 3 đợt, đợt 1 từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020; đợt 2 từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022; đợt từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Tuy nhiên, qua các năm, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ cũng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, như đợt 1 giảm thu ngân sách 7.314 tỉ đồng, đợt 2 giảm 7.896 tỉ đồng và đợt 3 giảm 5.238 tỉ đồng. Nếu năm 2024 tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỉ đồng.
Theo dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ từ 1-8-2024 đến hết năm 2024. Tuy nhiên tại tờ trình mới nhất, Bộ Tài chính cho biết một số bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế. Việc này dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã có báo cáo đánh giá tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ và đề xuất hai phương án. Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước. Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước.
Trên cơ sở các ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1 là cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước.