Bộ Tài chính nói về sai phạm tại dự án gang thép Thái Nguyên

Đây là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đưa tại cuộc họp báo chuyên đề về "Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018; kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2019".

Cụ thể, ông Tiến cho biết các dự án lớn do Nhà nước đầu tư phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và chịu giới hạn về tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa xây xong nhưng chủ đầu tư đã nhập hết thiết bị về. Sau đó họ lại chia nhỏ gói thầu ra. Như vậy là không tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), chia sẻ tại họp báo ngày 10-12. Ảnh: MOF 

“Mình chưa lắp đặt xong nhà xưởng mà đã nhập hết thiết bị về để ngoài trời cũng không được. Đó là những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật đã thấy rõ. Những vấn đề liên quan tới con người, cơ quan chức năng sẽ rà soát, xác minh kỹ sao cho có tình, có lý, có tội hay không có tội” - ông Tiến nói.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, khi đánh giá hành vi sai phạm của doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể hoạt động của doanh nghiệp. Còn với từng dự án cụ thể, cá nhân nào làm sai thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trước đó, ngày 9-12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông cáo báo chí kỳ họp thứ 41 với nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tổng công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO II). Những vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã chỉ ra các vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (giai đoạn 2007-2016). Bên cạnh đó ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự đảng, phó thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án này.

Cũng tại buổi họp báo, ông Tiến cũng đánh giá tiến độ cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp (DN) rất chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị, địa phương còn tồn nhiều DN phải CPH nhưng năm qua hầu như án binh bất động. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2019 có chín DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.

Theo ông Tiến, những DN phải CPH đều là những DN lớn, nhiều tài sản nên việc CPH không thể nhanh như các DN nhỏ mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Về thoái vốn, ông Tiến cho biết tiến độ cũng diễn ra chậm hơn. Trong năm 2019 có 13 DN thuộc thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỉ đồng, thu về 1.839 tỉ đồng. Về nguyên nhân, vị này cho rằng một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

"Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước" - ông Tiến nhấn mạnh.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới