Bó tay với trò chơi mạo hiểm!

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều tai nạn xảy ra tại các khu du lịch (KDL). Có người tử vong, có người dập gan, vỡ lách, trầy xước chân tay hoặc gây di chứng về tâm lý khi tham gia các trò chơi cảm giác mạnh. Khi xảy ra sự việc, chủ khu trò chơi thường trưng ra các bằng chứng để đổ lỗi cho người chơi còn họ vô can.

Thực tế, có những lỗ hổng quản lý “chết người” mà cơ quan quản lý không kiểm tra được và người chơi phó mặc tính mạng cho nơi tổ chức trò chơi đó…

Lỗi do người chơi?

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 1-7, trong lúc tham gia chơi trò xe đua F1 tại KDL Hồ Mây (thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu), chị NTTD (27 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã bị vỡ gan sau khi chiếc xe va chạm mạnh vào lề.

Trong bệnh viện, chị D. cho biết sức khỏe đã đỡ hơn sau một tuần được các bác sĩ mổ và điều trị. “Mới đây, nhân viên y tế của KDL có đến thăm hỏi, gửi hai hộp sữa bò và dặn tôi muốn khiếu nại gì thì sau khi xuất viện làm đơn, kèm hồ sơ điều trị tới công ty... Chúng tôi không đồng tình với việc KDL đổ lỗi tai nạn là do chúng tôi chạy sai tốc độ vì không ai hướng dẫn tốc độ chạy. Việc thắt dây an toàn cũng do nhân viên KDL thực hiện và không cảnh báo gì thêm…”.

Nhân viên khu trò chơi thắt dây an toàn cho người chơi trò xe đua F1 tại KDL Hồ Mây. Ảnh: K.LY

Theo đại diện KDL, khu trò chơi và chiếc xe đã được kiểm định, cụ thể việc kiểm định do Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực 2 tại TP.HCM tiến hành. Trên phiếu kết quả kiểm định công trình vui chơi công cộng, loại xe F1 tại KDL Hồ Mây đạt yêu cầu: Xe có công xuất 5,5 mã lực; vận tốc lớn nhất thiết kế 30 km/giờ; số người ngồi trên xe là hai người; quy cách đường chạy 175 x 5 m. Từ đó, KDL đổ lỗi cho người chơi về vụ tai nạn trên.

Lỗ hổng giám sát

Đây là một trong nhiều vụ tai nạn mà chủ KDL, chủ trò chơi cung cấp “bằng chứng” về sự vô can của họ như giấy đăng kiểm, giấy phép hoạt động, bảo hiểm tai nạn… để đổ lỗi cho người chơi.

Vấn đề ở đây là sau khi cơ quan kiểm định cấp giấy đăng kiểm thì khâu vận hành trò chơi không ai giám sát và tính mạng của người chơi phó mặc cho nơi tổ chức và nhân viên phụ trách trò chơi…

Một lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Sở chỉ quản lý về chất lượng, giá cả dịch vụ, cơ sở lưu trú, còn chất lượng và độ an toàn của các trò chơi trong KDL thì gần như không có chuyên môn để kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ: Hiện có “lỗ hổng” trong quản lý các trò chơi tại KDL. “Chúng tôi cùng các cơ quan chức năng khác thực hiện công tác quản lý, kiểm tra các KDL chủ yếu ở lĩnh vực giá cả cơ sở lưu trú, ăn uống, vệ sinh môi trường... Còn KDL phức hợp như KDL Hồ Mây, khi đi kiểm tra hoạt động định kỳ, chúng tôi không có chuyên môn để thẩm định chất lượng các khu vui chơi này. Khi KDL đưa ra phiếu kiểm định chất lượng của trung tâm kiểm định còn trong hạn hoạt động, chúng tôi chỉ biết vậy, còn việc vận hành khu vui chơi, trò đó có an toàn cho du khách hay không… chúng tôi không thể biết. Chất lượng, sự an toàn của các trò chơi trong khi phục vụ du khách hầu như do KDL tự đảm bảo. Chỉ khi xảy ra vấn đề mất an toàn, cơ quan chức năng mới xuống ghi nhận” - ông Sơn nói.

Còn ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Trưởng phòng Chính sách Lao động-Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Các cơ quan quản lý nhà nước không chuyên sâu về lĩnh vực chất lượng của các trò chơi. Nếu trung tâm kiểm định đã có kiểm định về chất lượng thì Sở chỉ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và ít khi thẩm định lại, chỉ kiểm tra bằng cảm quan. Khi đưa vào vận hành, thiết bị trò chơi đó được giao cho doanh nghiệp tự kiểm tra, bảo dưỡng, chịu trách nhiệm về chất lượng của thiết bị trò chơi đó.

“Ở KDL Hồ Mây thời gian qua xảy ra một số trường hợp du khách bị tai nạn, chúng tôi sẽ cử đoàn kiểm tra lại để xác định lỗi. Nếu lỗi thuộc về KDL, chúng tôi sẽ xem xét tạm dừng hoạt động trò chơi đó” - ông Hùng cho hay.

Rõ ràng, có một lỗ hổng về quản lý các trò chơi mạo hiểm và người chơi đánh cuộc vào tính chuyên nghiệp của nơi tổ chức hoạt động trò chơi.

TRÙNG KHÁNH

Tác hại của trò chơi mạo hiểm

Cơ thể mỗi người có sức chịu đựng nhất định và không ai giống ai. Khi bị những xúc động mạnh, cơ thể sẽ tự động tiết ra adrenaline làm tim đập nhanh, mạch máu co lại đột ngột có thể gây xuất huyết não do huyết áp tăng đột ngột. Với những trò chơi lộn ngược đầu hay trồng chuối ngược, trẻ em 1-5 tuổi chơi có thể tụt não gây bại liệt, tử vong.

Với những trò chơi cảm giác mạnh, vượt khỏi giới hạn chịu đựng của cơ thể có thể gây rối nhiễu về tâm lý, ảnh hưởng đến hệ thần kinh mà biểu hiện dễ thấy nhất là đột ngột thay đổi tính tình, hay ngủ mớ, la hét, hốt hoảng, giật mình, có khi quá sợ hãi sẽ bị ngất, khó thở…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm