Bỏ trốn khỏi khu cách ly: Nguy hiểm quá!

Xung quanh những câu chuyện liên quan đến dịch COVID-19, trong thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành xuất hiện những trường hợp người dân trốn khỏi khu vực cách ly. Điển hình là người phụ nữ tên D. đã trốn khỏi khu cách ly đặt tại Trung đoàn 123 ở Lạng Sơn, rất may sau đó các lực lượng đã tìm thấy và đưa chị này trở lại khu vực cách ly.

Hay như mới đây nhất lại thêm một trường hợp không hợp tác cách ly ở Quảng Ngãi. Những hành động nhất thời của một số người như thế này lại thêm tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh trong cộng đồng.

Không ai kỳ thị họ cả

Biết được tình trạng trên, anh Châu Thiền (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói: “Chẳng ai muốn mình bị rơi vào trường hợp phải cách ly. Nhưng nếu chẳng may bị rơi vào trường hợp này thì mỗi người chúng ta cần phải tuân thủ pháp luật và chỉ lệnh của bác sĩ để an toàn cho bản thân và cộng đồng”.

Anh Bùi Nam (một doanh nhân ở Khánh Hòa) cho hay: “Các ngành chức năng đang nỗ lực để đẩy lùi dịch. Nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Thanh Hóa… từng có dịch đã nhiều ngày không xuất hiện thêm ca nhiễm mới, đang làm hồ sơ công bố hết dịch, nhiều người ở vùng cách ly đã cho kết quả âm tính… Đó là tín hiệu tốt, cần sự chung tay hợp tác của người dân để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ở trong khu vực cách ly, chuyện ăn ở đã có người lo, không mất chi phí. Hằng ngày có người đến thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho vậy thì tại sao phải trốn. Trong trường hợp thời gian cách ly phát hiện không có bệnh thì được về bình thường chứ người ta có giữ lại đó mãi đâu mà sợ!”.

Trong khi đó, chị Vân Anh (quận 9) lại lo ngại: “Trường hợp người bỏ trốn mà không bị nhiễm virus thì không sao nhưng trong trường hợp ngược lại, nếu trong người có virus dịch bệnh thì sẽ như thế nào? Biết là không ai mong muốn mang virus dịch bệnh trong người nhưng từng người cũng phải suy nghĩ lại và hành động có trách nhiệm hơn đối với bản thân và xã hội. Ở đây không ai kỳ thị hay đối xử tệ bạc những người đang có yêu cầu cách ly. Hãy thực hiện đúng cách theo hướng dẫn của các cơ quan y tế để bảo đảm sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Có như thế mới mong sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra chỉ đạo lập bệnh viện dã chiến tại TP Móng Cái  để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Trốn khỏi khu cách ly: Hại nhiều hơn lợi

Một câu hỏi đặt ra là trốn khỏi khu vực cách ly thì người bỏ trốn được lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn?

Chị Hoàng Thị Vân (đang công tác tại BV đa khoa huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho rằng: “Việc cách ly những người trở về từ vùng dịch là quy định bắt buộc của ngành y tế. Việc làm này nhằm đảm bảo chữa trị kịp thời cho người được cách ly nếu không may nhiễm bệnh. Mặt khác, thời gian cách ly để phát hiện bệnh cũng chỉ có hai tuần, nếu không có vấn đề gì sẽ được cho về nhà.

Việc trốn khỏi khu cách ly vừa nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân, cộng đồng mà lại còn bị các lực lượng truy tìm, xử phạt, chẳng thoải mái chút nào”.

Xét về góc độ pháp lý, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết những trường hợp từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế có thể bị xử phạt theo Điều 10 Nghị định 176/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Cụ thể, phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp trốn tránh cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì mức phạt có thể lên tới 10 triệu đồng, buộc cưỡng chế cách ly.

Không chịu cách ly vì còn phải mưu sinh

Ngày 17-2, Công an TP Quảng Ngãi đã báo cáo UBND TP, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh này về một trường hợp công dân địa phương không hợp tác cách ly.

Cụ thể, bà Huỳnh Thị H. (63 tuổi, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) đi thăm người thân ở tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi bà H. quay về, chính quyền địa phương vận động bà thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày kể từ ngày 13-2. Bà sẽ được cơ quan y tế địa phương kiểm tra sức khỏe hằng ngày. Qua làm việc ban đầu, bà H. đồng ý cách ly, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

Tuy nhiên, vì kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc làm ruộng, bán rau hằng ngày ở chợ của bà (thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày), do đó bà kiên quyết đi làm để mưu sinh nếu chính quyền không hỗ trợ tổn thất kinh tế trong những ngày cách ly.

Trước hành động của bà H., nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

THANH NHẬT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm