Ngày 23-5, hơn 69 triệu cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. BáoPháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG) Phạm Thị Thanh Trà ngay khi bà vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại một số địa phương…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử. Ảnh: HOÀNG HẢI
Linh hoạt trước di biến động số lượng cử tri
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ngày bầu cử 23-5 đã cận kề. Qua đợt kiểm tra vừa rồi, Bộ trưởng còn băn khoăn điều gì?
+ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Điều tôi lo nhất là tác động từ dịch COVID-19. Ở những địa bàn đang có dịch, sự biến động của cử tri diễn ra liên tục do người phải đi cách ly; công nhân ở các khu công nghiệp phải nghỉ việc; sinh viên các trường đại học, cao đẳng phải nghỉ học về quê… Ngay các thành viên tổ bầu cử cũng có sự thay đổi liên tục vì nhiều trường hợp bị nghi nhiễm COVID-19…
Trong khi đó, việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới bổ sung vào các tổ bầu cử gặp nhiều khó khăn...
Mặt khác, trong ngày bầu cử sẽ có thời điểm cử tri tập trung đông tại phòng bỏ phiếu. Do vậy, các địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án kỹ lưỡng, cụ thể để phòng ngừa sự lây lan của dịch tại các điểm bỏ phiếu.
. Từ sự biến động về cử tri, tổ bầu cử như nêu trên, Bộ Nội vụ, HĐBCQG sẽ làm gì để vừa kiểm soát được dịch, vừa bầu cử thành công?
+ Bộ Nội vụ thống kê cả nước có gần 69,2 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu dịp này. Việc di biến động của cử tri sẽ dẫn đến những thay đổi trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc bầu cử của cử tri.
HĐBCQG đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Hiện các địa phương đang rà soát, cập nhật từng ngày, từng giờ biến động của cử tri. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa những địa phương nơi cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với địa phương nơi cử tri trở về quê hoặc phải đi cách ly tập trung. Chính quyền cơ sở phải nắm bắt sát tình hình di biến động của các cử tri để trao đổi, thống nhất với cử tri trong việc gạch tên khỏi danh sách cử tri nơi đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trước đây và bổ sung kịp thời vào danh sách cử tri nơi mới đến.
Một vấn đề phát sinh từ di biến động cử tri hiện nay là số lượng cử tri ở một số đơn vị bầu cử giảm, không bảo đảm đủ số cử tri đi bầu cử, đặc biệt là khi các trường đại học đã cho sinh viên nghỉ học hoàn toàn...
Do đó, mới đây Văn phòng HĐBCQG đã có hướng dẫn ghép các khu vực bỏ phiếu, chẳng hạn ĐH Quốc gia Hà Nội hiện chỉ còn cán bộ, giảng viên thì có thể ghép với điểm bỏ phiếu trong khu dân cư đó và xóa tên trong danh sách cử tri đối với các sinh viên đã trở về quê.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục bằng việc nhắn tin, thông báo qua Zalo… để địa bàn vùng đó chỉ đạo luôn, đừng cứng nhắc quá. Các trường đại học cần chủ động thông tin cho sinh viên, để sinh viên trở về địa phương thực hiện quyền bầu cử. Lúc này máy móc quá sẽ rất khó, vì đây là tình huống phát sinh.
Ngoài ra cần có phương án chuẩn bị số lượng thùng phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho việc bỏ phiếu để bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
110.000 người đang cách ly y tế tại 27 địa phương do dịch COVID-19. Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đã hướng dẫn bốn kịch bản bầu cử đối với những khu vực này. |
Không được kiểm phiếu trước giờ quy định
. Một vấn đề tồn tại qua nhiều kỳ bầu cử là tình trạng bầu hộ, bầu thay. Làm sao thể khắc phục tình trạng này, thưa bà?
+ Để tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay, Thông tư số 01/2021 ngày 11-1-2021 của Bộ Nội vụ đã quy định rất cụ thể. Theo đó, cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri phải xuất trình thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.
Trường hợp cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Trường hợp người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu. Các thành viên tổ bầu cử đã được tập huấn kỹ nội dung này nên sẽ khắc phục được tình trạng đi bầu thay, bầu hộ.
. Thưa Bộ trưởng, việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào để đảm bảo khách quan, chính xác?
+ Theo quy định, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi hết giờ bỏ phiếu (19 giờ ngày 23-5). Trường hợp tổ bầu cử kéo dài thời gian bỏ phiếu thì kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày. Đối với các trường hợp thực hiện bầu cử tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện thì để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19, HĐBCQG và Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về việc có thể tiến hành kiểm phiếu ngay tại cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện mà không phải đưa thùng phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.
Điểm mới trong đợt bầu cử lần này là trường hợp số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định thì tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được kiểm phiếu trước thời điểm 19 giờ ngày 23-5.
. Xin cám ơn Bộ trưởng.
Thành viên tổ bầu cử nơi dịch phải có người bên y tế Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay HĐBCQG vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức bầu cử ở nơi/điểm có nhiều thành viên phải tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc F1, F2 phải cách ly. Theo đó, các địa phương chủ động bổ sung, thay thế các thành viên tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các thành viên tổ bầu cử. Đối với những khu vực cách ly tập trung, nơi thực hiện cách ly xã hội tại địa bàn bị phong tỏa; các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 nếu có đông cử tri thì có thể thành lập thêm khu vực bỏ phiếu tại chỗ. Các thành viên tổ bầu cử phải có sự tham gia của nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở này. Các địa phương phải kịp thời tập huấn nghiệp vụ bầu cử đối với thành viên mới được bổ sung. |