Bộ trưởng Bộ TN&MT nói về chiêu trò thao túng, thổi giá đất đấu giá

(PLO)- Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, quá trình đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương đã xuất hiện biểu hiện đầu cơ, thổi giá để tạo mặt bằng giá cao nhằm trục lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, thời gian qua, tại một số địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xuất hiện tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có biểu hiện đầu cơ, thổi giá, tạo mặt bằng giá cao. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ TNMT.jpg
Bộ trưởng BộTN&MT Đỗ Đức Duy giải trình trước Quốc hội. Ảnh: QH

Ông Duy cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Đầu tiên là do việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh.

“Sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc”- ông Đỗ Đức Duy cho biết.

Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng TN&MT đề cập là các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá, dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài.

Cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm. Điều này dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

Đề cập đến giải pháp, ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, ngoài việc phải triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu giá tài sản Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Giá và pháp luật có liên quan, các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Các địa phương cũng cần phải điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm.

“Trong quy chế đấu giá, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc, nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản”- theo ông Duy.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu trên thị trường bất động sản; Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra.

“Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc đấu giá sử dụng đất đai theo quy định”- ông Duy nói và khẳng định Bộ TN&MT sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất để quản lý, chấn chỉnh công tác đấu giá đất và phối hợp với các bộ ngành đề xuất các cấp có thẩm quyền để quản lý.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhìn nhận, việc để thổi giá đất lên có nghĩa là chúng ta thất bại, chưa quản lý được.

Nói về các nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đã làm trái quy luật thị trường. Trong khi nguồn nhu cầu cao, có hàng nghìn người tham gia đấu giá, xếp hàng cả đêm nhưng đưa ra vài thửa đất trong khi chúng ta có hàng ngàn thửa đất".

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang vô hình trung làm thị trường méo mó. "Giữa cung và cầu đã không công khai minh bạch nên người dân lo chỉ có chừng đó thôi”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm