Bộ trưởng GD&ĐT trả lời rất 'mượt mà và êm ái'

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trong chương trình làm việc sáng nay của Quốc hội. Ảnh: Huy Hà.

Trong 30 phút sáng nay, trả lời chất vấn của ĐB Ngô Ngọc Bình (TP.HCM) và ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) về việc làm thế nào để huy động nguồn lực tốt nhất để biên soạn chương trình mới, khắc phục thiếu liên thông giữa các cấp học, ai là nhạc trưởng trong khi xây dựng chương trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc biên soạn SGK ở các nước thường do các chuyên gia ở các viện nghiên cứu làm.

Ở Việt Nam qua những lần biên soạn SGK và lần này đều huy động đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có kinh nghiệm. Để chuẩn bị cho những lần làm tới đây, Bộ GD&ĐT đang lựa chọn những cán bộ tốt cử đi đào tạo chuyên sâu để phục vụ cho việc viết SGK. Chương trình SGK mới tập trung vào giảm quá tải, giảm những kiến thức hàn lâm xa rời cuộc sống, chuyển sang hướng phát triển năng lực học sinh.

Trong lần làm sách này Bộ đã có bàn bạc và sẽ có tổng chủ biên toàn bộ chương trình, có cả chủ biên cho từng môn, có chỉ huy theo cả chiều ngang và chiều dọc để làm sao SGK phù hợp với các em học sinh, tránh các sai sót.

Trước chất vấn của ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) và ĐB Vi Thị Hương về việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 gây khó khăn cho các trường chất lượng cao có số lượng hồ sơ đông gấp nhiều số chỉ tiêu, ông Luận cho biết tiếp thu ý kiến chỉ đạo của nghị quyết Trung ương về việc không có trường chuyên lớp chọn nên Bộ chủ trương không tổ chức việc thi cử vào lớp 6.

Ở một số trường của những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển khi triển khai có lúng túng nhưng sau khi đưa ra được phương án phù hợp thì cho đến nay, vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 ở tất cả các địa phương có trường chuyên lớp học biến tướng đã giải quyết xong.

Ví dụ như tại Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, nhiều trường chất lượng cao như Nguyễn Tất Thành, Amsterdam, Cầu Giấy, Nguyễn Sơn, Đoàn Thị Điểm... đều đã tuyển sinh tốt, được nhân dân ủng hộ. Ở Đà Nẵng, đã chuyển trường chuyên Nguyễn Khuyến thành trường bình thường.

Trước những khó khăn trong tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH ngoài công lập, Bộ trưởng cho biết, trong mấy năm gần đây, việc tuyển sinh vào các trường ĐH công lập và ngoài công lập có chất lượng không tốt đều gặp khó khăn. Nguyên nhân do có sự thay đổi về nhận thức của phụ huynh và học sinh không phải lựa chọn vào bất cứ trường nào để có được tấm bằng mà phải lựa chọn trường có chất lượng.

Ông Luận cho biết để tháo gỡ khó khăn cho các trường Bộ sẽ đưa ra các giải pháp như tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng như tuyển đủ giáo viên, tạo điều kiện cho nhà trường đưa thầy cô giáo đi đào tạo, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, tránh việc đi thuê, đi mượn; dành phần chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước cho các trường ngoài công lập.

Phát biểu kết luận trả lời chất vấn của ông Luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, cho biết cuộc chất vấn chính là mong muốn lắng nghe Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo việc thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Chủ tịch QH cho rằng trước những đổi mới của ngành giáo dục đồng bào cử tri cả nước tin tưởng nhưng cũng có lo lắng. Đổi mới căn bản toàn diện, đạt chuẩn, hội nhập quốc tế, dân chủ công bằng nhưng đổi mới phải vững chắc, bước đi phải thận trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, của các địa phương, nhà trường, vùng miền, của học sinh để làm sao công cuộc đổi mói trôi chảy nhưng không gây ra tâm trạng bức bối, khó khăn, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến từng gia đình, ảnh hưởng đến hiện tai, tương lai sự hát triển của đất nước.

Chủ tịch QH cho rằng Bộ trưởng Luận chuẩn bị rất đầy đủ chu đáo, trả lời rất "mượt mà và êm ái”.

Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu quốc hội, lắng nghe ý kiến của UBMT Tổ quốc Việt Nam, ý kiến đồng bào cử tri cả nước phản hồi không chỉ phiên chất vấn này mà trong quá trình triển khai đổi mới để triển khai cho tốt.

Lương hưu của GV dưới 500.000 đồng và giải pháp của Bộ GD - ĐT

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, nhiều đại biểu đặt vấn đề, học sinh hiện nay không mặn mà với nghề giáo viên, bởi đã khó xin việc làm, lương lại thấp. Nhất là giáo viên mầm non ở nông thôn, như báo chí phản ánh, sau 20 – 40 năm công tác, khi về hưu lương chưa được 500.000 đồng/tháng.

Theo VnExpress, cô giáo này sau 40 năm công tác, nhận được mức lương 440.000 đồng (Ảnh: VnExpress)

Theo giải trình của Bộ trưởng, lương nhà giáo, nhất là nhà giáo mầm non thấp, về hưu nhận lương thấp hơn lương tối thiểu. Vấn đề này có yếu tố lịch sử, bởi những năm 90 trở về trước, các cô giáo có mức lương rất thấp, mức đóng bảo hiểm cũng rất thấp. Do đó mức hưởng khi nghỉ hưu sẽ rất ít.

Bộ trưởng cho biết: Về việc này, sau khi thấy được vấn đề, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giải quyết mức lương, bảo hiểm cho các cô giáo mở mức ngang bằng mức lương tối thiểu (Bộ trưởng không nói cụ thể).

Bên cạnh đó là có phụ cấp cho các cô giáo mầm non. “Chúng tôi đang có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài chính sách đó, để hỗ trợ cho các cô giáo mầm non có lương thấp. Còn giải quyết căn cơ vấn đề này phải chờ vào hệ thống thang bảng lương mới” – ông Phạm Vũ Luận nói.
(Theo VOV.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới