Sáng 4-6, lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề nóng của ngành giao thông, đặc biệt là bất cập các dự án BOT.
Tại sao các dự án BOT giảm mạnh sau kiểm toán?
Mở đầu phiên chất vấn, người đứng đầu ngành giao thông khẳng định chủ trương đầu tư BOT là đúng khi ngân sách hạn hẹp, nợ công đang ở mức cao. Tuy nhiên, trước những yếu kém của ngành, Bộ trưởng xin thay mặt cán bộ và nguyên cán bộ ngành: “Thành thật xin nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân”.
Dứt lời, nhiều đại biểu (ĐB) liên tiếp chất vấn. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) yêu cầu Bộ trưởng trả lời về sự chênh lệch năm thu phí giữa hợp đồng BOT và kết quả Kiểm toán Nhà nước.
Bộ trưởng lý giải: Một dự án BOT có nhiều khoản dự phòng như trượt giá, khối lượng, những vấn đề có thể phát sinh kinh phí… Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng làm trước khi Bộ GTVT quyết toán.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có một điều khoản là giá trị sau quyết toán làm căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí. Do đó, việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán và giá trị dự án được duyệt là hiển nhiên. “So sánh số liệu Kiểm toán Nhà nước và số liệu quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng về năm thu phí, thậm chí số lượng quyết toán của Bộ GTVT tại nhiều dự án còn thấp hơn” - ông nói.
Ông Thể cũng cho rằng việc thu phí BOT, Bộ GTVT đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bị các đại biểu chất vấn gay gắt về yếu kém của ngành giao thông. Ảnh: TTXVN
Các bộ, ngành tự thống nhất, giờ bắt dân chịu!
Khi nghe trả lời, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) hỏi: “Phương án xử lý dựa trên lợi ích của người dân. Vậy lợi ích dân ở đâu khi 17 dự án đặt sai vị trí, chỉ định thầu. Trong đó, ba dự án dân không đi phải trả tiền, sáu dự án làm trên đường cao tốc và nâng cấp quốc lộ, tức không đi cao tốc cũng phải trả tiền?... Trong báo cáo và giải pháp của ngành, tôi chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục xong lại dừng… Tôi hỏi Bộ trưởng như thế đã vì lợi ích của dân chưa, tại sao dân không đi phải trả tiền?…” - ĐB Hàm hỏi.
Ông Thể thừa nhận ba dự án BOT nằm ngoài phạm vi dự án. Trong đó một số dự án do lịch sử để lại. Lấy dẫn chứng trạm Bắc Thăng Long-Nội Bài, ông Thể khẳng định dự án triển khai từ lâu, sau đó Bộ GTVT tiếp nhận. Việc này Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Thủ tướng và được chỉ đạo tiếp tục thu phí.
Với trách nhiệm của mình, ông Thể cho biết sẽ cố gắng thực hiện đúng theo chỉ đạo. Đối với các dự án trước đây, khi lập đưa vào dự án và dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, của các bộ, ngành. Nếu di dời phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt phải có kinh phí để thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT.
Không đồng tình câu trả lời, ĐB Hoàng Quang Hàm thẳng thắn: Khi đầu tư BOT, các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, ngân hàng thống nhất với nhau, người dân có biết đâu. Tại sao bây giờ người dân phải chịu, họ không sử dụng đường tránh, chỉ đi đường nâng cấp, sao bắt trả hết?
“Bộ GTVT đã làm hết trách nhiệm trong thương thảo với các đối tác để giảm định mức, lãi suất chưa? Tại sao bây giờ người dân phải chịu?… Tôi thấy chưa thỏa đáng...” - vị ĐB nói.
Người dân chỉ đòi công bằng
Cụ thể hơn đến trạm thu phí BOT T2 Cần Thơ (Trạm T2), ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết: Người dân Lộ Tẻ (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) chỉ qua Trạm T2 vài trăm mét nhưng phải trả tiền bằng cả một đoạn đường. “Vậy đã có công bằng cho người dân chưa?”.
Cần giải pháp căn cơ Vấn đề BOT dần dần được quy về một điểm rất rõ ràng là chúng ta đã buông lỏng ngay từ đầu, không có sự giám sát của người dân và cuối cùng hiện nay chúng ta đang đi gỡ phần ngọn. Nhà đầu tư khi bỏ tiền ra thì phải có lãi, người dân sử dụng thì phải trả chi phí nhưng làm sao cho hợp lý. Điểm bộc lộ yếu kém rõ nhất là đặt sai vị trí các trạm BOT, đây là điều hết sức vô lý. Theo tôi, đây là bài toán rất khó nhưng chắc chắn sẽ là bài học cho các công trình mới. ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai) Tôi cần câu trả lời của một tư lệnh, chứ không phải người chỉ huy chiến dịch. Một tư lệnh có thể không cần bắn một phát súng nào nhưng họ phải là người biết điều quân, khiến người khác phải răm rắp tuân thủ, người dân thì tin, còn doanh nghiệp phải làm đúng. Có những doanh nghiệp chấp nhận rủi ro để vào đầu tư, hay có những doanh nghiệp không chấp nhận rủi ro thì tư lệnh ngành phải giải được cho họ bài toán này. Có điểm Bộ trưởng Thể nói tôi thấy chưa đầy đủ và rõ ràng. Câu hỏi về những chính sách lớn Bộ trưởng chưa trả lời được. Chúng ta rất cần một giải pháp căn cơ hơn. ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG (Bến Tre) |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thể thừa nhận bất cập và cho rằng đây là bất khả kháng. Nguyên nhân tuyến đường không thể thu phí kín (tính tiền theo km) vì dân cư đông. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới ngành chỉ xây dựng trên đường mới, tuyến song song và thu phí kín (tính theo km).
“Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và bà con hết sức thông cảm vì dự án này cũng như nhiều dự án khác chúng ta đều tổ chức thu phí hở. Để khắc phục bất cập, chúng tôi đã thực hiện miễn, giảm lớn cho toàn bộ bà con sống trong khu vực và TP Long Xuyên…” - ông Thể giải thích.
Chưa đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh: Dân không xin Nhà nước hoặc doanh nghiệp giảm phí, có đi thì có trả. “Nhưng tôi muốn hỏi ở đây là vấn đề công bằng” - bà Bé nêu.
Đáp lại, ông Nguyễn Văn Thể cho hay: Sau kỳ họp này sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương rà soát kỹ…
Đặt vấn đề nhiều doanh nghiệp được ưu ái chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có dàn xếp khiến cho việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn, có dự án tăng 36 lần, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) hỏi thẳng Bộ trưởng việc này có không. Bên cạnh đó, một số dự án BOT và BT cử tri nghi vấn có thất thoát lớn, xin Chính phủ cho biết đã kiểm tra, xử lý như thế nào và giải pháp.
Bộ trưởng khẳng định với ĐB dự án nào cũng tổ chức đấu thầu công khai trên trang web của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, thời gian đầu do không có nhà đầu tư tham gia nên Bộ GTVT chỉ định.
Người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận một số dự án kéo dài gây lãng phí do năng lực nhà thầu kém. Tuy nhiên, đơn vị hằng tuần kiểm tra, giám sát tiến độ với hy vọng dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Bổ sung thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là thanh tra, kiểm tra từng trường hợp cụ thể, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm.
Đường sắt khó chia lợi ích hơn? ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng từ năm 1936, Việt Nam đã là một trong những nước có hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất ở châu Á nhưng giờ tụt hậu do nhận thức không đầy đủ. “Quốc hội từng bác xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhưng vẫn khẳng định cần thiết phải sớm có một đường sắt hoàn thiện, tốc độ cao… Vậy tám năm qua hầu như giẫm chân tại chỗ, phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn…” - ông hỏi. Thừa nhận hạ tầng đường sắt đã lạc hậu xa các nước do tham mưu kém nhưng giải pháp nâng cấp vẫn còn bí, ông Thể xin nhận trách nhiệm với những gì đang diễn ra. “Sẽ trình đề án đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao vào năm 2019” - ông nói. Không tán thành với nhận định ngành đường sắt tụt hậu là do tham mưu kém, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng ngành đường sắt gần như bị bỏ rơi vì không mang lại lợi ích cho các nhóm… Trả trạm BOT về tên gọi cũ Báo cáo trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể nói tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi “trạm thu giá” để trình Chính phủ. Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc này không cần nghiên cứu, trình. Tôi thấy Bộ GTVT cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí là được, vì tên gọi này đã đúng bản chất”. |