Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), bộ trưởng trả lời là vì quyền lợi của người dân nhưng nghe trả lời thì không thấy như thế. Nhiều người bức xúc 17 trạm thu phí sai vị trí. Trong đó có ba dự án dân không đi phải trả tiền; sáu dự án nằm trên đường cao tốc và đường chính thì đặt trạm ở đường chính để thu cả đường cao tốc, người dân không đi cao tốc cũng phải trả tiền; sáu dự án không đi đường tránh cũng phải trả tiền.
“Báo cáo và giải pháp của bộ trưởng tôi chỉ thấy toát lên vấn đề dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, không chịu thì lại dừng, dân chịu lại thu. Tôi hỏi bộ trưởng như vậy đã vì lợi ích của dân chưa. Tại sao dân không đi lại trả tiền...” - đại biểu truy vấn đề.
Tiếp đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết cử tri, doanh nghiệp (DN) phản ánh hiện nay ở một số địa phương chỉ vài DN hoặc công ty con của các DN đó được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu. Có hiện tượng dàn xếp mà họ không thể cạnh tranh được. Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tổng giá trị lên đến nhiều chục ngàn tỉ đồng.
“Tình trạng đặc quyền và độc quyền này khiến cho tình trạng cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn... Xin cho biết có việc này hay không? Giải pháp?” - đại biểu đặt câu hỏi.
Vấn đề thứ hai được đại biểu Nghĩa nhắc đến là một số dự án BOT và BT cử tri nghi vấn có thất thoát lớn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cho biết đã kiểm tra, xử lý thế nào, giải pháp?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm tranh luận lần hai. Đại biểu Hàm nói nghe bộ trưởng giải thích thì quan điểm vẫn là thuyết phục người dân và giảm giá. Trong khi ngày xưa khi làm dự án thì bộ, ngành, địa phương, nhà thầu và ngân hàng thống nhất với nhau. “Người dân có biết đâu, tại sao bây giờ người dân phải chịu. Chúng ta đã thương thảo với các nhà đầu tư giảm lợi nhuận đúng mức chưa, đã thương thảo với ngân hàng giảm lãi suất chưa? Ngày xưa ba đối tác này thương thảo với nhau làm dự án, giờ vỡ lở ra dân phải chịu thì tôi thấy chưa thỏa đáng…” - đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đặt câu hỏi có phải do có khả năng nhà đầu tư BOT kiện lại Bộ GTVT nên Bộ GTVT mới có dư duy vá "ổ gà" để xử lý những trạm BOT đặt sai vị trí không?
“Tôi rất đồng tình với quan điểm của đại biểu Hàm. Bộ trưởng nói rằng tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí. Tôi nghĩ đây là tư duy không thể chấp nhận được, đề nghị bộ trưởng giải thích thêm” - đại biểu Hồng tiếp tục truy.
Phản hồi ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết vừa qua có tổ chức đấu thầu dự án BOT. Không có dự án nào không tổ chức đấu thầu, việc đấu thầu được công khai trên trang web đấu thầu của Bộ KH&ĐT.
Trong thời gian một tháng theo quy định, các nhà đầu tư nếu quan tâm sẽ nghiên cứu gửi hồ sơ tham gia. Với dự án có từ hai nhà đầu tư tham gia trở lên, Bộ GTVT tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục, ít nhà đầu tư quan tâm. Nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên Bộ GTVT không thể tổ chức đấu thầu. "Nhiều dự án đã phải kéo dài thời gian thông báo để mong muốn có thêm nhà thầu nhưng không có... Luật vẫn cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu khi chỉ có một nhà thầu tham gia vì địa phương mong muốn có hạ tầng, bà con trông chờ. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ KH&ĐT... giám sát chặt chẽ..." - Bộ trưởng Thể lý giải.
Giải thích tiếp về việc đấu thầu có hình thức hay không, người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định Luật Đấu thầu rất chặt chẽ và các cơ quan chức năng hiện nay cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Đấu thầu một cách chặt chẽ. Khi phát hiện có hiện tượng thông thầu, vi phạm Luật Đấu thầu thì căn cứ vào luật để xử lý.
Việc dự án kéo dài gây lãng phí, thực tế là có. Các nhà thầu đều mong muốn nhận được nhiều công trình, dự án. Một số nhà thầu trúng nhiều dự án nhưng rải rác ở các địa phương. Một số dự án nhà thầu trúng các dự án thì dẫn đến yếu kém về năng lực do cùng một thời điểm thực hiện nhiều dự án... khiến công trình chậm, dẫn đến lãng phí. Bộ GTVT họp giao ban hằng tháng, hằng quý, thậm chí hằng tuần...
"Việc xét duyệt dự toán, quyết toán chúng tôi thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng tham gia thẩm tra dự toán cho dự án BOT. Vừa qua hầu như các dự án BOT do Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán. Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Khi dự án được duyệt, Bộ GTVT tiến hành lập hồ sơ thiết kế xây dựng dự toán, phê duyệt hồ sơ dự toán... để gần sát với việc triển khai, tránh tình trạng phê duyệt dự án, ký hợp đồng cao nhưng thực tế thu lại thấp..." - ông Thể tiếp tục giải trình.