Góp ý cho dự luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi vào chiều 24-6, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng việc sửa đổi thuế giá trị gia tăng lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách.
Thu thuế giá trị gia tăng của Việt Nam đang rất hiệu quả
Ông Cường cho hay theo thống kê của cơ quan quản lý thu, thu về thuế trị gia tăng luôn chiếm tỉ trọng khá cao (1/4 so với tổng thu thuế cũng như tổng thu ngân sách).
“Tỉ lệ huy động từ thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thuộc nhóm tỉ lệ cao so với các nước ở trong khu vực” – ông Cường nói và nhìn nhận việc thu thuế giá trị gia tăng của Việt Nam đang rất hiệu quả.
Mặc dù thuế giá trị gia tăng là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, không phải đánh vào người sản xuất, tuy nhiên khi đó giá trị hàng hóa tăng lên và mức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, điều này làm ảnh hưởng đến người sản xuất. “Ảnh hưởng đến người sản xuất là ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất” – đại biểu nhấn mạnh.
Dẫn thực tế phải giảm thuế trị gia tăng mới kích thích được sản xuất, phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, ông Cường đề nghị không nên tính đến chuyện tăng thu bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Ông cũng đề xuất tính toán đến hai sắc thuế quan trọng và cần thiết.
Cụ thể là thuế tài sản, bởi đây là một sắc thuế có khả năng huy động rất lớn cho ngân sách, đồng thời có vai trò điều tiết rất lớn đến việc chiếm hữu các tài sản. “Đặc biệt, chúng ta vừa thông qua Luật Đất đai, giá đất được định giá thị trường, nếu không sớm có thuế này thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ về tài sản” – đại biểu đoàn Hà Nội nhìn nhận.
Sắc thuế thứ hai là thuế bảo vệ môi trường. Ông Cường nhấn mạnh đây cũng là sắc thuế cần sớm được ban hành để điều tiết những hành vi gây ô nhiễm và xâm hại môi trường, đồng thời khuyến khích xu hướng chuyển đổi xanh.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng nhìn nhận lâu nay Quốc hội bàn rất nhiều việc sẽ quyết giảm thuế suất xuống để hỗ trợ cho kinh tế - xã hội.
Theo ông, nên chăng luật hóa quy định này, đưa ra những tiêu chí để khi nào cần thiết thì Chính phủ có thể tự động điều chỉnh một số mặt hàng, khi nào cần thiết thì Chính phủ có thể quyết để chúng ta giảm thuế cho phù hợp.
Còn về lâu về dài, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng phải tăng thuế suất đối với thuế giá trị gia tăng để theo đúng xu hướng của cải cách thuế, phải đi đúng vào bản chất của sắc thuế rất quan trọng này.
Giao Chính phủ quy định các mặt hàng không chịu thuế sẽ linh hoạt hơn
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, dự luật này khó vì sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.
“Chúng tôi đã nghiên cứu hết sức chặt chẽ, đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng và bao quát được các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và phù hợp với thông lệ quốc tế” – bộ trưởng nói.
Ông cũng thông tin, tại dự thảo luật quy định giao cho Chính phủ quy định hàng hóa dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế giá trị gia tăng. “Việc phân cấp cho Chính phủ là một việc hết sức quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo ông, hiện nay luật quy định kinh doanh của một hộ dưới 100 triệu là không thu thuế, tức tương ứng với khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Thời giá ngày một trượt giá, nếu chỉ số CPI cũng tính như tăng lương và các giá khác thì Chính phủ ban hành nghị định quy định 100 triệu, có thể năm sau 150 triệu, năm sau nữa 200 triệu. “Việc đó giao cho Chính phủ sẽ linh hoạt hơn” – ông Phớc nói.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng Tài chính nói nếu để Thường vụ Quốc hội quy định thì cũng hoàn toàn đồng ý nhưng sẽ có thêm các khâu là khâu thẩm định rồi trình lên, trình xuống bao nhiêu lần thì mới ra được.
Trong khi đó ở nước ngoài, qua một đêm Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi xin ý kiến có thể áp giá với thép, cá ba sa hay là mặt hàng khác tăng lên để bảo vệ nền kinh tế trong nước, còn ở Việt Nam thì ít nhất phải sáu tháng ta mới có thể sửa được các sắc thuế.