Ngày 24-3, tại Đắk Lắk, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo về thực trạng GD&ĐT vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, 10 năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường THCS, các huyện đều có trường THPT. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã. Hiện toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.
Đáng chú ý, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của Tây Nguyên đạt 99,6%, cao hơn so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc. 100% trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày.
|
Hội nghị diễn ra hôm nay (24-3), tại Đắk Lắk. Ảnh: TTTT |
Toàn vùng có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú và 68 trường phổ thông dân tộc bán trú. Trong đó, có 49/59 trường phổ thông dân tộc nội trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được cải thiện qua từng năm học.
Hội nghị ghi nhận ý kiến thảo luận của lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và đại diện một số trường đại học đóng trên địa bàn vùng. Trong đó, một trong những khó khăn được 5 địa phương chia sẻ là tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và cơ học do di dân tự do ở các tỉnh đều rất cao.
Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, mỗi năm tỉnh Đắk Nông tăng thêm 35.000 học sinh do di dân tự do, do đó giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn. Việc cắt giảm biên chế 10% tại các địa phương, trong đó áp dụng cả với ngành giáo dục đang gây ra khó khăn cho các địa phương vốn đã thiếu giáo viên ở các bậc học. Vì vậy, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ xem xét vấn đề này.
Chia sẻ với khó khăn của Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn vùng có thêm nhiều trường đại học, phân hiệu trường đại học nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Ông sẽ tiếp thu kiến nghị của các địa phương và phối hợp với Bộ GD&ĐT để xem xét điều chỉnh, tham mưu điều chỉnh chính sách phù hợp.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTTT |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, Tây Nguyên là vùng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.
“Cả nước quan tâm, yêu quý và hướng về Tây Nguyên. Đó chính là lợi thế” - ông nói.
Với đặc điểm của một vùng nhiều khó khăn, Bộ trưởng nhìn nhận giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác, vừa giải quyết yêu cầu khó theo kịp các vùng khác nhưng lại phải thực hiện đổi mới như mọi vùng, vừa làm nhiệm vụ với đồng bào dân tộc.
“Cộng lại nếu vùng khác cố gắng 1, chúng ta cố gắng 2-3. Đây là đặc điểm của sự nghiệp giáo dục Tây Nguyên và là thách thức nặng nề”- ông nói.
Về một số nhiệm vụ lớn trước mắt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ông đề nghị các địa phương có những tổng kết, đánh giá đầy đủ, khách quan những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị tối đa những vấn đề còn vướng mắc và mong muốn.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai trên cả nước, Bộ trưởng lưu ý việc thực hiện để không cứng nhắc, không nóng vội trong đánh giá cũng như có lộ trình để thực hiện. Bộ trưởng mong muốn các địa phương dành sự ưu tiên cao độ đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, nhân lực cho hai năm 2023-2024 để “nhịp đầu tư rơi đúng thời điểm triển khai quan trọng nhất”.
“Quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các tỉnh khó khăn cần đặc biệt lưu ý, nếu triển khai không khéo, không tập trung nguồn lực có thể làm gia tăng khoảng cách giữa các tỉnh và các vùng miền về giáo dục” - Bộ trưởng lưu ý.