Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phản hồi 8 kiến nghị lớn của TP.HCM


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM, sáng 7-6. Ảnh: HOÀNG GIANG

PLO lược trích cùng bạn đọc: 

1. Cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: Một số môn học bắt buộc (văn-tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học đa chỉ nên là tám môn trong một năm: Bộ GD&ĐT đã chủ trương và tới đây sẽ thống nhất một khung chương trình chung, mang tính nền tảng thôi. Từ đó, TP được chủ động, linh hoạt xây dựng chương trình, sách giáo khoa theo bản sắc văn hóa riêng của TP và có thể đề ra chuẩn cao hơn tùy theo yêu cầu thực tế của TP.

2. Về cho phép HS các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH-CĐ, để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản: Bộ đồng ý về chủ trường vì đây là xu hướng quốc tế khi mà các chứng chỉ tại các trường ĐH-CĐ mà HS trường chuyên đã có thể tích lũy được rồi thì TP cần linh hoạt để tạo cho những người giỏi rút ngắn thời gian đào tạo, giảm chi phí. Nếu thực hiện được thì các trường ĐH cũng sẽ rất phấn khởi vì có thể thu hút sinh viên giỏi vào các trường ĐH.

3. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh,  Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp: Hiện nay, theo quy định đánh giá HS, nhất là Thông tư 30, Bộ đề nghị TP nên căn cứ vào điều kiện cụ thể lớp học có điều kiện tốt nhất áp dụng và tùy theo từng trường, còn đánh giá và nhận xét là chủ động của các thầy cô nhưng phải đảm bảo tính xác thực, tránh việc giáo viên phải áp lực về sổ sách và thủ tục như hiện nay.

4. Về việc giao quyền cho các tỉnh, TP thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT: Năm nay chúng ta vẫn phải thực hiện theo quy chế và chỉ đạo của thủ tướng về kỳ thi THPT Quốc gia. Từ sang năm chúng ta sẽ làm khác và Bộ rất ủng hộ đề xuất của TP vì Bộ thấy có cơ sở thực tế thì Bộ sẽ xem xét và công bố cụ thể để giao cho các địa phương. Còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ thì thuộc trách nhiệm của các giám đốc, hiệu trưởng. Và như thế, Bộ sẽ hướng dẫn và giám sát chứ không làm thay.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (bìa phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sau cuộc họp bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM, sáng 7-6. Ảnh: HOÀNG GIANG

5. Tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo bốn kỹ năng nghe - đọc - nói - viết: Bộ đồng ý chủ trương. TP có điều kiện phát triển hơn các tỉnh, thành khác nên nếu cần để đáp ứng hội nhập quốc tế thì TP nên đi trước. TP cũng nên có chương trình chung với các trường quốc tế để thu hút giáo viên nước ngoài làm sao để đánh giá theo chuẩn quốc tế chứ không cứ đề ra những cái “tương đương” sẽ dẫn đến không đúng thực chất.

6. Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…): Bộ đồng ý về chủ trương, miễn là đảm bảo chuẩn đầu ra, còn phương thức có thể linh hoạt điều chỉnh theo từng địa phương, cân đối thời gian nghỉ cho HS, tránh gây quá tải cho HS.

7. Giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài,  tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh...: Về nguyên tắc là Bộ đồng ý nhưng phải đảm bảo chất lượng. Bộ cũng khuyến khích các trường nghiên cứu, chọn lựa các chương trình của nước ngoài, nhất là các trường về khoa học công nghệ thì càng tốt nếu thấy các chương trình đó cần thiết thì các trường cứ nhập về để tổ chức giảng dạy.

8. Thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp (hiện nay do ngành giáo dục và đào tạo và ngành LĐ-TB-XH quản lý): Bộ đang làm việc với các bộ, ngành nhưng quan điểm của Bộ thống nhất quản lý về giáo dục đào tạo còn TP có thể chủ động để làm sao có hiệu quả là được.

Còn một số vấn đề khác như tăng biên chế giáo viên mầm non, điều chỉnh phòng ban của Sở, quản lý tư vấn du học...., Bộ giao trách nhiệm cho TP trong quyền hạn của mình có thể linh hoạt thực hiện sao cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới