Bí Thư Đinh La Thăng: Năm nay dứt khoát phải xóa dạy thêm, học thêm

Tại đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP, báo cáo hằng năm TP luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục, tổng chi cho giáo dục chiếm 26%  tổng ngân sách chi thường xuyên.

Học sinh tăng, gây áp lực cho nâng chất lượng dạy và học

Đến cuối năm 2020, 100% các trường học trên địa bàn TP đạt chuẩn Quốc gia về tiêu chí cơ sở vật chất; có 300 phòng học/10.000 người dân trong độ tuổi từ 3 tuổi đến 18 tuổi (kể cả người dân không có hộ khẩu thường trú hoặc KT3); 30% các trường Mầm non, Tiểu học, 15% các trường THCS, THPT đạt chuẩn Quốc gia; ở từng quận huyện mỗi bậc học Mầm non, Tiểu học có ít nhất 3 trường học, bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có 2 trường đạt trường tiên tiến theo xu thế hội nhập.
Hằng năm TP đưa hàng ngàn phòng học vào sử dụng, đầu tư trang thiết bị, đổi mới phương pháp giảng dạy để ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên do tốc độ dân số tăng nhanh, hằng năm TP tăng trung bình 65.000 học sinh nên dù trường lớp xây mới nhiều nhưng vẫn quá tải chỗ học, sĩ số cao, chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ cho con em công nhân tại các KCN.
Chương trình giáo dục còn hàn lâm, quá tải, chưa phân phối chương trình hợp lý. Điều này khiến cho học sinh phải học rất áp lực, học nhiều và tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn.

Số lượng trường học có nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân banh… phục vụ hoạt động thể thao của học sinh chưa cao. Một số trường học có diện tích sân chơi nhỏ ảnh hưởng đến sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Trang thiết bị hiện đại mặc dù đã được trang bị tuy nhiên tỉ lệ thiết bị/học sinh không cao nên thời lượng dành cho mỗi học sinh không cao.

Trong quá trình phát triển, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 học sinh/năm, tức mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn, đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh, là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ…

Ông Lê Hồng Sơn đề xuất, cho phép ngành giáo dục và đào tạo thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới. Cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (Văn - tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học đa chỉ nên là tám môn trong một năm. 

Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

HSSV không chỉ giỏi CNTT, ngoại ngữ hay văn, toán 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng những gì liên quan đến đổi mới cơ chế, chính sách, phương pháp giảng dạy... trong giáo dục đào tạo phải căn cứ vào luận cứ khoa học về giáo dục đào tạo rõ ràng chứ không phải dựa vào ý chí chính trị hay ý chí của một cá nhân nào.

Ông Thăng cho rằng giáo dục là phải làm sao xây dựng được cho HSSV lý tưởng, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, tạo được nền tảng gắn kết gia đình, tự lập và biết yêu thương dù ở cấp bậc học nào.

Sản phẩm của giáo dục dục không chỉ là HSSV phải giỏi công nghệ thông tin, ngoại ngữ hay giỏi văn, giỏi toán.

"Chúng ta nói nhiều đến hội nhập nhưng với giáo dục, hội nhập là không có dạy thêm, học thêm, không có chạy trường chạy lớp. Tôi đề nghị năm nay TP dứt khoát phải xóa dạy thêm, học thêm. Chúng ta chỉ còn dạy phụ đạo cho học sinh yếu, tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm trong các trường học. Nếu cần thì chúng ta đã có các trung tâm bồi dưỡng văn hóa thể thao, ở đó có các lớp dạy cho học sinh rồi thì ai cần cứ đến đó đăng ký học thôi. 

Ngay cả việc chạy trường, hàng năm cứ đến mùa chuẩn bị năm học mới là lại xuất hiện chạy trường chạy lớp đủ các kiểu. Điều này gây khó khăn đủ đường và làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục TP nên chúng ta phải làm sao sớm chấm dứt ngay tình trạng này", Bí thư Đinh La Thăng nói. 

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đồng ý với ý kiến của Bí thư Đinh La Thăng. Các đại biểu cho rằng phải kiên quyết xóa dạy thêm học thêm vì chính từ đây dẫn đến rất nhiều tiêu cực trong ngành giáo dục.
Phó chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang đề nghị Sở GD phải trực tiếp chủ động giảm tải chương trình, cắt giảm những nội dung không cần thiết chứ không chỉ ngồi chờ chỉ đạo. Và kèm với giảm tải rồi đổi mới đó, đội ngũ giáo viên phải chuyển động mạnh để đáp ứng được yêu cầu mới. 
"Chúng ta nói xóa dạy thêm, học thêm nhưng không chủ động giảm tải, HS luôn phải học áp lực rất nhiều môn và nhiều kiến thức quá thì chúng ta có cố gắng xóa thì bằng cách này hay cách khác thì vẫn tồn tại nhiều kiểu học thêm mà thôi".
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&DT Phùng Xuân Nhạ đồng ý chủ trương và tinh thần của lãnh đạo TP.HCM trong định hướng phát triển giáo dục của TP. 
Về vấn đề dạy thêm học thêm, Ông Nhạ cho phép ngành giáo dục TP chủ động rà soát tất cả chương trình để có hướng giảm tải hoặc thay đổi nhưng phải báo cáo với Bộ. Bộ sẽ căn cứ vào đó để đồng ý cho TP thí điểm hoặc để TP mạnh dạn giảm tải, từ đó xóa dạy thêm học thêm một cách triệt để.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm