Lạ là vì trên giấy khen ghi “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”, “Đạt danh hiệu khen toàn diện”, “Có thành tích xuất sắc toàn diện”…
Theo hướng dẫn từ thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành từ đầu năm học 2013-2014, việc khen thưởng học sinh được giao cho các trường tiểu học tự chủ, tức là nội dung ghi vào giấy khen nhằm khuyến khích khả năng của mỗi em do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng các trường quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn như trước kia.
Một số giáo viên giàu kinh nghiệm tại TP.HCM cho hay những câu chữ lạ nói trên có trong sổ sách của giáo viên để theo dõi và đánh giá học sinh. Trong đó có những em hoàn thành tốt tất cả sẽ được đánh dấu vào ô “khen toàn diện”, ngược lại là đánh dấu “khen từng mặt”. Nhưng viết giấy khen với những câu chữ như thế xem ra không ổn. “Những câu chữ đó mang ra để in lên giấy khen là không thể được, nghe lọt chọt thế nào ấy. Các em đọc không hiểu khen mặt nào, toàn diện là sao...” - một giáo viên tại TP.HCM nói.
Vị giáo viên này chia sẻ cách làm của trường mình rằng nếu học sinh có những môn tính điểm tương đương mức giỏi trước đây thì trường sẽ khen “Đạt thành tích tốt trong học tập”. Còn nếu em đó đạt điểm tốt một trong hai môn toán hoặc tiếng Việt thì sẽ khen “Đạt thành tích tốt trong môn…”. Những em còn lại thì tùy sự tiến bộ của các em để khen các mặt như “Tích cực tham gia các hoạt động phong trào thể thao”. Cũng có những em rất cố gắng nhưng vẫn chưa thực sự có thành tích gì nổi bật thì vẫn khen là “Có nỗ lực trong học tập”.
Một hiệu trưởng trường tiểu học tại quận 5 (TP.HCM) cho biết vừa rồi có hai trường hợp mà giáo viên chủ nhiệm không biết khen thưởng như thế nào nên phải lấy thêm ý kiến từ phụ huynh và nhà trường để ghi lời khen. Một em thì trong lớp khá nhút nhát, ít nói, không hoạt bát bằng các bạn khác, kết quả học tập lại không cao. Giáo viên nói khen em có nỗ lực trong học học tập thì thấy không hợp lắm. Sau khi bàn tới bàn lui thì quyết định ghi là “Có cố gắng và chăm ngoan trong học tập”. Một em khác thì ngược lại, trong lớp có chút ngổ ngáo, học toán rất tốt nhưng hay sai sót vì ẩu nên kết quả chưa cao. Thấy vậy, trong năm cô giáo cho em kèm hai bạn khác yếu hơn theo hình thức “đôi bạn cùng tiến” nhưng thật ra để kìm tính của em này. Kết quả là em đã giúp cho hai bạn cùng lớp có nhiều tiến bộ mặc dù tính xấu của em vẫn chưa giảm. Đến khi khen thưởng, giáo viên đề xuất khen em năng động trong học tập nhưng chính vị hiệu trưởng thấy hơi kỳ và quyết định khen em “Nhiệt tình giúp đỡ bạn bè trong học tập”.
Theo vị hiệu trưởng, viết lời khen cũng cần cân nhắc sao cho xứng với nỗ lực của các em để các em nhận giấy khen hiểu được, thấy vui và tự hào, phụ huynh cũng ấm lòng.
Nếu chúng ta thực sự muốn trả lời câu hỏi khen cho ai, làm cho ai và để làm gì thì sẽ có cách ghi lời khen ý nghĩa nhất.
Tất cả đổi mới trong giáo dục nếu chúng ta biết đặt học sinh làm trọng tâm thì ngay cả việc nhỏ như lời khen cũng sẽ trở thành động lực cho một đứa trẻ.