Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Sẽ không đưa bất kỳ lính chiến đấu nào đến Ukraine

Trong cuộc họp báo ngày 28-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo với phóng viên rằng Tổng thống Joe Biden “không có ý định đưa quân vào Ukraine cho các hoạt động chiến đấu”. 

Tuy nhiên ông Austin cho biết mọi phương án quân sự có thể có trong trường hợp không triển khai quân trực tiếp đều được bàn thảo, đài RT đưa tin.

Dù loại trừ “các hoạt động chiến đấu”, Mỹ vẫn đang chuẩn bị cho những hành động quân sự theo nhiều cách khác nhau. Khoảng 8.500 binh sĩ Mỹ đang được đặt ở mức cảnh báo cao và khả năng sẽ được triển khai đến Đông Âu. Theo ông Austin, những lực lượng này có thể dùng để để “củng cố an ninh ở sườn phía đông của NATO”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AP

Tại buổi họp báo, ông Austin cũng nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của Mỹ trong việc hỗ trợ quân đội Ukraine như Washington đã viện trợ quân sự trị giá 650 triệu USD cho Kiev vào năm ngoái.

Hiện binh sĩ Nga vẫn đóng quân tại khu vực giáp biên giới với Ukraine và vẫn có ý kiến lo ngại về khả năng Nga có thể tấn công Ukraine. Bộ trưởng Austin nói với phóng viên rằng ông không biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin “có đưa ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng những lực lượng này chống lại Ukraine” hay không.

Dù Ukraine không phải là thành viên của NATO, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rằng “bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga” đối với Ukraine sẽ vấp phải sự phản đối “thống nhất” từ liên minh.

Bên cạnh đó, ông Austin cũng cảnh báo thêm với Moscow rằng “một cuộc tấn công chống lại một thành viên NATO là một cuộc tấn công chống lại tất cả”, cho dù Nga hiện chưa cho thấy có ý định tấn công bất kỳ thành viên nào của NATO.

Mặc dù các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine đã bị đình trệ, nguyên nhân vì Mỹ khẳng định Ukraine được phép gia nhập NATO, nhưng ông Austin hy vọng rằng xung đột với Nga vẫn “có thể tránh khỏi”.

Một bài đăng trên trang Twitter của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết: "Xung đột không phải là không thể tránh khỏi. Vẫn còn không gian và thời gian cho ngoại giao. Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác sẽ đem đến cho Nga một con đường thoát khỏi khủng hoảng và hướng tới an ninh cao hơn".

Đài RT bình luận rằng những phát ngôn của ông Austin cho thấy sự xáo trộn trong ranh giới giữa liên minh NATO và Ukraine. RT cũng cho rằng phát ngôn của ông Austin ám chỉ rằng các lực lượng của NATO sẽ hoạt động trong phạm vi gần với bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào nổ ra.

Cả Mỹ và NATO đều từ chối lời kêu gọi của Nga về một thỏa thuận ràng buộc về việc ngừng mở rộng liên minh về phía đông. Phản đối sự mở rộng của NATO sang các quốc gia thuộc Khối Warsaw trước đây là chính sách của Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 28-1, ông Putin bày tỏ sự không hài lòng với việc phương Tây từ chối chấp nhận chấm dứt việc mở rộng khối NATO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm