Bộ trưởng Tài chính: Chính sách giảm thuế quá nhanh!

Sáng 12-6, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng quy định về miễn, giảm thuế đã có những bất cập, hạn chế nhất định. Việc miễn, giảm đã được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi khá rộng và đối tượng miễn, giảm thì ngày một tăng.

Trong hai kì họp QH gần đây, QH đã xem xét thông qua và chuẩn bị thông qua nhiều đạo luật như dự án Luật chuyển giao công nghệ, Luật đường sắt (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết về xử lý nợ xấu, Luật thủy lợi, Luật du lịch, Luật thủy sản, Luật bảo vệ rừng. Những luật này đều chứa đựng quy định miễn, giảm thuế và cơ chế tài chính đặc thù.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu thảo luận sáng 12-6.

ĐB Mai nhìn nhận việc miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động phần nào đến thu NSNN. Theo ước tính của Chính phủ, hiện nay cứ giảm 1% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chúng ta giảm thu từ NSNN 6.000 tỉ đồng.

“Tính riêng trong năm 2013 khi chúng ta thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm thu 2.080 tỉ đồng. Vào năm 2014 giảm thu 2.500 tỉ, đó là chưa kể từ năm 2008 đến nay chúng ta đã áp dụng liên tục 6 nghị quyết của QH về miễn, giảm thuế và cũng tác động phần nào đến thu ngân sách”- Bà Mai dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo bà Mai, việc miễn, giảm thuế trong một số trường hợp cũng tạo tâm lý chưa thực sự bình đẳng giữa người được miễn, giảm và đối tượng không được miễn, giảm, trong nhiều trường hợp cũng gây tâm lý cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng.

Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên chúng ta đã sử dụng chính sách tài khóa rất linh hoạt mà tập trung vào những vấn đề như điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên nhìn lại chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế đã được duyệt.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ một số ý kiến của ĐBQH sáng 12-6.

Tư lệnh ngành tài chính dẫn chứng thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm quá nhanh, từ 25% xuống 22% và hiện nay là 20%; trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%. Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân cũng được điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu. Những chính sách này đã giảm thu NSNN khoảng 1% GDP.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) lại cho rằng bội chi NSNN đang là vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay, là nguy cơ rất lớn về trần nợ công chúng ta không đảm bảo. Qua số liệu quyết toán, có thể thấy việc điều hành ngân sách của chúng ta không được nghiêm túc.

Chẳng hạn Nghị quyết QH cuối năm 2014 quyết định bội chi ngân sách 5% GDP, tới ngày 11-11-2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết lúc đó thống nhất sẽ bội chi ngân sách là 5,71%. Tuy nhiên, tới quyết toán thì số liệu bội chi ngân sách đến 6,28%. Theo ĐB Thể, nếu điều hành ngân sách như vậy thì vượt trần nợ công rất dễ xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm