Bộ trưởng Tài chính giải trình nguyên nhân bội chi cao

Giải trình rõ hơn vấn đề này, chiều 28-5, cả Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã đăng đàn.

Theo ông Hiển, 2013 là năm kinh tế cực kỳ khó khăn, trong khi biển Đông có những diễn biến phức tạp. Chính phủ dự báo thu ngân sách sẽ rất thấp, không đủ chi, vì vậy QH đã nâng trần bội chi lên, đồng thời quyết định chuyển các khoản thu cổ tức, lợi nhuận từ phần vốn nhà nước - trước đây được để lại doanh nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất - vào cân đối trong ngân sách. Ngoài ra, QH còn quyết định chuyển vào ngân sách 70% số lợi nhuận được chia trong các hợp đồng khai thác dầu khí, so với trước đây chỉ là 50%. Bằng giải pháp này, ngân sách năm 2013 đã được bổ sung một khoản khá lớn, bù cho phần hụt thu do kinh tế sa sút.

Còn tại sao bội chi thực tế vẫn cao hơn cả mức đã điều chỉnh, Bộ trưởng Dũng đưa ra hai nguyên nhân: Thứ nhất là do bất cập tích tụ từ hoàn thuế GTGT, thứ hai là giải ngân ODA từ năm 2013 được đẩy mạnh. Trong nguyên nhân thứ hai, do nhiều công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nên giải ngân thực tế cao hơn nhiều so với dự toán. Như dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, dự toán năm 2013 chỉ giải ngân 220 tỉ đồng nhưng thực tế cuối năm thực hiện tới gần 4.200 tỉ đồng, dự án đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông dự toán 180 tỉ đồng nhưng thực hiện tới 2.300 tỉ đồng... Giải ngân tăng thì đồng thời con số Chính phủ nhận nợ với các nhà tài trợ cũng tăng theo, vừa đẩy cao con số bội chi vừa làm tăng nợ công.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết vừa qua đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách để gian lận thuế. Qua đó, thanh tra thuế đã phối hợp với công an khởi tố nhiều vụ, điển hình như vụ gian lận thuế GTGT quy mô 1.000 tỉ đồng ở Đồng Nai, vụ sai phạm nghiêm trọng ở An Giang liên quan tới một số cán bộ thuế...

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm