Sáng 20-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sau khi nghe tờ trình dự án luật của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Dự thảo luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng này được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QH |
Cánh tay nối dài của lực lượng công an xã chính quy
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (đại biểu (ĐB) QH tỉnh Đắk Lắk), cho hay công an xã chính quy bố trí 100% trên địa bàn toàn quốc nhưng số lượng khá mỏng, có những xã ở địa bàn Tây Nguyên chỉ có năm người.
“Năm đồng chí, trong khi tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đều phải triển khai xuống công an cấp xã” - bà Xuân nói và nhấn mạnh khối lượng công việc thực tế là rất nhiều, rất nặng, đặc biệt là xử lý tin tố giác ban đầu.
Do vậy, theo bà Xuân, nếu không có lực lượng này, công an chính quy rất vất vả và khó hoàn thành nhiệm vụ. Đề cập đến vụ việc ở Tây Nguyên vừa qua, bà Xuân cho rằng nếu lực lượng an ninh cơ sở được hướng dẫn cụ thể sẽ là “tai mắt” khi nhóm đối tượng này đi mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện.
Cũng theo ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, một trong những đòi hỏi cấp bách để đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở là phải có lực lượng thường trực, nắm bắt vụ việc từ sớm ở các thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư.
Đánh giá việc xây dựng lực lượng này là “vô cùng cần thiết, thực tiễn đòi hỏi” - bà Xuân nhấn mạnh đây là lực lượng từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, nắm tình hình trong dân tốt hơn.
“Lực lượng này sẽ là cầu nối, cánh tay nối dài của lực lượng công an xã chính quy” - vẫn theo lời ĐB Xuân.
Còn theo ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), tình hình an ninh, trật tự, tình hình tội phạm... ở các địa phương hiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp. Các vụ việc vi phạm cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý từ sớm, kịp thời, để hạn chế thấp nhất hậu quả cho xã hội.
Ông Đồng cho rằng mặc dù đội ngũ công an chính quy đã cơ bản được thực hiện ở cấp xã nhưng vẫn cần sự tham gia, phối hợp của quần chúng nhân dân ở cơ sở, nhất là đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách trước đây.
Từ đó, ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng cần thiết có một đạo luật thống nhất quy định về xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Lo ngại tăng biên chế, tăng chi ngân sách
Dù cho rằng việc xây dựng đạo luật là cần thiết, tuy nhiên theo ĐB Hà Sỹ Đồng, một số quy định tại dự thảo về người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (dự thảo gọi là lực lượng) đang hướng về việc phát sinh nhiều cơ chế, chính sách... Chẳng hạn, có thêm tổ chức là tổ bảo vệ an ninh, trật tự; quy định tiêu chuẩn tuyển chọn tổ viên, tổ trưởng, tổ phó; quy định được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị cơ sở vật chất; tăng thêm trụ sở nơi làm việc…
“Đọc các điều tại dự thảo thì thấy nếu thực hiện sẽ tăng chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương” - ông Đồng nói.
Còn theo ĐB Hoàng Quốc Khánh (ĐBQH tỉnh Lai Châu), dự thảo nêu quy định kinh phí đảm bảo cho lực lượng này do địa phương tự cân đối, trường hợp địa phương khó khăn thì trung ương hỗ trợ nếu có điều kiện; hay nơi làm việc của lực lượng là nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố… là “không khả thi”. “Tôi nói các đồng chí làm gì bố trí được. Điểm sinh hoạt cộng đồng chỉ có cái phòng be bé làm sao bố trí? Xã bây giờ trụ sở làm việc còn đang khó nữa là” - ông Khánh nêu thực tế.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Thanh Vân (ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết QH khóa XIV sau khi lấy phiếu ý kiến của ĐBQH đã không tán thành xem xét, thông qua dự án luật này. Ông đề nghị lấy lại ý kiến của ĐBQH một lần nữa cho thuyết phục.
Cũng theo ông Vân, việc thống nhất lực lượng hiện hữu lên tới cả triệu người và bố trí ở từng thôn, tổ dân phố như dự thảo luật thì kinh phí chắc chắn rất lớn, không thể mỗi tỉnh trung bình chỉ 30 tỉ đồng/năm như báo cáo của Chính phủ.
Vụ việc ở Đắk Lắk không thể coi thường
Phát biểu tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhắc tới mục tiêu được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; mọi người dân phải được hưởng niềm hạnh phúc ấy, được an toàn, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng.
Nhấn mạnh cơ sở phường, xã làm tốt thì huyện, quận sẽ tốt; huyện, quận tốt thì tỉnh tốt; mà tỉnh tốt thì cả quốc gia sẽ tốt, người đứng đầu ngành công an khẳng định: “Chúng tôi sẽ xây dựng từng cơ sở phường, xã là pháo đài về an ninh, trật tự, là nơi đảm bảo an ninh, an toàn nhất”.
“Chúng tôi sẽ xây dựng những xã không có tội phạm, không có ma túy. Đó là mục tiêu rất lớn. Tội phạm ngay ở xã thôi, có mầm mống tội phạm là người dân biết hết. Nhưng dân biết mà chính quyền, công an không biết thì quá dở, nhưng càng dở, càng kém hơn là biết mà không giải quyết” - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc tập hợp lực lượng này rất quan trọng đối với ngành công an. Đây là lực lượng nòng cốt để nắm bắt tình hình diễn ra hằng ngày, hằng giờ, chứ không phải vụ án xảy ra rồi công an mới đến giải quyết, khi đó tất cả đã chậm hết rồi.
Trước lo ngại của các ĐBQH về vấn đề kinh phí, ngân sách, người đứng đầu ngành công an khẳng định đây không phải là trở ngại, khó khăn. Theo ông, lực lượng này hoạt động chủ yếu ở trụ sở chính quyền, trụ sở công an xã và các nhà sinh hoạt cộng đồng, không có trụ sở riêng. Ngoài ra, Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng này hoạt động.
“Bây giờ xảy ra một chuyện gì không ổn định thì đừng nói việc phát triển kinh tế hay bàn về dự án. Nhiều tỉnh đã nói với tôi điều này. Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra vụ Formosa, Thường vụ Tỉnh ủy cả năm bàn giải quyết vấn đề này, làm gì còn thời gian bàn về phát triển kinh tế - xã hội. Hay vụ việc ở Đắk Lắk, Tây Nguyên vừa qua, một việc như thế không thể coi thường…” - ông Tô Lâm nói thêm.
Quốc hội đồng ý lập Quỹ phòng thủ dân sự để khắc phục thảm họa, sự cố
Cùng ngày, với 469/475 ĐBQH tán thành, QH thông qua dự án Luật Phòng thủ dân sự. Một trong những nội dung đáng chú ý đó là QH thống nhất phương án lập Quỹ phòng thủ dân sự không cần đợi tới khi có thảm họa, sự cố.
Trước đó, quá trình xây dựng luật, đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ QH đã xây dựng hai phương án để xin ý kiến ĐB. Phương án thứ nhất là lập ngay quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố. Phương án 2 là chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định.
Theo đạo luật vừa được thông qua, Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: QH |
Quỹ được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.
Quỹ này được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa…
Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.