'Bộ Tứ kim cương' nhóm họp, dự kiến bàn về sự cưỡng ép của Trung Quốc ở khu vực

Biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và sự cưỡng ép của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là những chủ đề đứng đầu nghị trình khi ngoại trưởng các nước “Bộ Tứ” (QUAD - gồm Úc, Ấn Độ, Nhật, Mỹ) nhóm họp tại Melbourne, Úc vào ngày 11-2, hãng Reuters đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong tuần này đã đến Úc trong lúc Washington bận rộn vì cuộc khủng hoảng leo thang với Nga. Moscow đã tập trung khoảng 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine, động thái khiến phương Tây lo ngại về một cuộc tấn công của Nga. Moscow bác bỏ có kế hoạch như vậy.

'Bộ Tứ kim cương' nhóm họp, dự kiến bàn về sự cưỡng ép của Trung Quốc ở khu vực. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chiến lược dài hạn của Mỹ vẫn chú trọng vào châu Á-Thái Bình Dương và một cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao tại một phần của thế giới không làm Mỹ sao nhãng những ưu tiên quan trọng khác.

Trao đổi với các nhân viên tại Lãnh sự quán Mỹ ở Melbourne hôm 10-2, ông Blinken cho biết Washington làm việc “24/7” về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng vẫn chú trọng đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - một khu vực mà ông cho là quan trọng trong việc định hình thế kỷ 21.

Cả ông Blinken lẫn người đồng cấp Úc – bà Marise Payne - đều nói một yếu tố quan trọng trong cuộc họp của QUAD là chú trọng đến việc thiết lập một môi trường khu vực không có “sự cưỡng ép”, ám chỉ tham vọng bành trướng quân sự, kinh tế của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Cùng với nhau, chúng ta là một mạng lưới trọng yếu gồm các nền dân chủ tự do cam kết hợp tác thực tiễn và đảm bảo rằng tất cả các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, lớn và nhỏ, đều có thể có những quyết định chiến lược của riêng mình, không bị cưỡng ép” – vị ngoại trưởng Úc hôm 10-2 tuyên bố.

Phát biểu trước Quốc hội Úc, bà Payne cho biết sự hợp tác của QUAD trong việc ứng phó COVID-19 tại khu vực là “thiết yếu nhất”. Bên cạnh đó, an ninh mạng, an ninh hàng hải, hạ tầng cơ sở, hành động khí hậu và cứu nạn - đặc biệt là sau vụ núi lửa phun trào tại Tonga mới đây - cũng được chú trọng.

Trao đổi với phóng viên trên máy bay trên đường đến Melbourne, ông Blinken mô tả QUAD như một “cơ chế mạnh mẽ” để đưa vaccine ra toàn thế giới, cũng như đẩy lùi “sự hung hăng và cưỡng ép” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vị ngoại trưởng không nhắc tên Trung Quốc.

Theo Reuters, ngoại trưởng bốn nước thành viên QUAD sẽ làm việc để thúc đẩy các mục tiêu trên. Tuy nhiên, nhiều khả năng các ngoại trưởng sẽ không công bố các cam kết mới mà đợi đến hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo QUAD - dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Nhật và Tổng thống Biden có thể tham dự.

Chuyến công du của ông Blinken diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuần qua công bố một đối tác chiến lược “không có giới hạn”. Đây là tuyên bố rõ ràng và chi tiết nhất của đôi bên để làm việc với nhau – và đối phó Mỹ - trong việc xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên sự diễn giải của họ về nhân quyền và dân chủ.

Quan hệ Mỹ-Trung hiện ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên, trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bất đồng về một loạt vấn đề từ Hong Kong, Đài Loan cho tới Biển Đông và việc Trung Quốc đối xử với người thiểu số Hồi giáo.

Hồi tháng 10-2021, ông Biden nói với các lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ mở các cuộc thảo luận về khuôn khổ kinh tế mới cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có nhiều chi tiết liên quan được hé lộ và chính quyền Mỹ ngần ngại cho phép các nước châu Á tiếp cận thị trường nhiều hơn như họ mong muốn vì e rằng việc này sẽ đe dọa công ăn việc làm của người Mỹ.

Những người chỉ trích nói rằng thiếu sự giao tiếp kinh tế của Mỹ là điểm yếu quan trọng trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden tại khu vực, nơi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm