Khủng hoảng Ukraine: Nhật mắc kẹt ở thế lưỡng nan giữa Mỹ và Nga

Tokyo đang chịu áp lực từ Washington trong việc hỗ trợ Ukraine giữa khủng hoảng với Nga. Trong tình huống nghiêm trọng nhất, Nhật có thể buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine, theo tờ South China Morning Post.

Theo giới phân tích, việc gây sức ép với Nga có thể làm tổn hại hy vọng mỏng manh của Nhật trong việc đạt được thỏa thuận về chủ quyền của các đảo ngoài khơi Hokkaido, khiến việc trao trả quần đảo này cho Tokyo trở nên khó khăn hơn.

Được gọi là "Vùng lãnh thổ phía Bắc" ở Nhật và "quần đảo Nam Kuril" ở Nga, các hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô từ cuối Thế chiến II.

Nga tận dụng 'quân bài hiểm'

Nhật nhiều lần nhấn mạnh quần đảo này là của mình và phải được trả lại cho "chủ của nó". Và trong khi các chính phủ trước đây của Nga đã chỉ ra rằng vấn đề chủ quyền có thể được thương lượng hoặc có thể phát triển kinh tế chung, Tổng thống Vladimir Putin đã có một đường lối cứng rắn hơn nhiều.

Đại sứ Ukraine tại Nhật Sergiy Korsunsky và bản đồ Nga-Ukraine. Ảnh: REUTERS

Ông Putin hiểu rằng việc nắm quyền kiểm soát các đảo tranh chấp sẽ giúp ông có lợi thế trong các cuộc thảo luận với Nhật. Giới phân tích chỉ ra rằng các đảo nói trên có thể được dùng để ngăn cản Tokyo ủng hộ Kiev.

Ngày 2-2, Đại sứ Nga tại Nhật Mikhail Galuzin đã nói rõ quan điểm của Moscow về bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào quốc gia của ông.

"Các tuyên bố về cái gọi là hành động mạnh mẽ chống lại Nga đang phản tác dụng. Nó sẽ không đóng góp vào việc tạo ra bầu không khí tích cực trong cuộc đối thoại Nga - Nhật" - ông nói.

Đại sức Nga cũng nhấn mạnh "nếu Nhật có hành động phối hợp, hoặc thậm chí nói về hành động phối hợp", Nga sẽ tăng cường các cuộc tập trận quân sự và nhiều máy bay Nga sẽ tiếp cận không phận Nhật hơn. Ông cũng cảnh báo Nga có thể thiết lập quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Ngày 8-2, Hạ viện Nhật đã thông qua nghị quyết thể hiện tình đoàn kết với Kiev, nói rằng Tokyo "quan tâm sâu sắc và luôn ở bên người dân Ukraine, những người hy vọng vào sự ổn định của đất nước của họ và khu vực".

Nghị quyết kêu gọi dùng ngoại giao để đảm bảo sự ổn định, đồng thời nói thêm rằng "bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào của các lực lượng đều không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nghị quyết không đề cập Nga, chỉ nói rằng "tình hình vẫn căng thẳng, mất ổn định do những diễn biến bên ngoài biên giới Ukraine".

Nhận định của chuyên gia

Theo ông James Brown - PGS quan hệ quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, dù tự hào là nước châu Á duy nhất trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất (G7) và muốn đi cùng đường lối với các quốc gia thành viên khác, Nhật không muốn bị coi là dẫn đầu chống lại Nga.

Vùng lãnh thổ phía Bắc (cách gọi của Nhật)/Nam Kuril (cách gọi của Nga). Ảnh: SCMP

"Có hai lý do. Một là tiến trình đàm phán chủ quyền 'Lãnh thổ phía Bắc/Nam Kuril', và một nỗi sợ hãi còn lớn hơn là việc gây sức ép với Nga rất có thể đẩy nước này đến gần Trung Quốc hơn" - ông Brown chỉ ra.

Lần cuối cùng Tokyo đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow là sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Các biện pháp trừng phạt chủ yếu tập trung vào việc giảm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất tại Crimea, song tác động không đáng kể.

Theo ông Yakov Zinberg - GS quan hệ quốc tế chuyên về các vấn đề Đông Á tại Đại học Kokushikan của Tokyo, hầu như không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán liên quan Vùng lãnh thổ phía Bắc/Nam Kuril kể từ năm 1945 và thực tế là không có triển vọng thay đổi trong tương lai.

"Các vùng lãnh thổ phía Bắc đã trở thành vấn đề thứ yếu sau mối bận tâm của Nhật đối với quần đảo Senkaku" - ông nói, đề cập nhóm đảo không người Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư.

"Tôi kỳ vọng rằng dù bên ngoài Nhật đã nói rằng họ sẽ tuân theo chính sách của Mỹ về Ukraine, nhưng họ sẽ âm thầm liên hệ với Moscow để thể hiện rằng các chính sách của họ vẫn linh hoạt. Nhật không muốn làm xấu đi một mối quan hệ vốn đã khá căng thẳng" - ông nói.

Báo Mỹ: 'Ông Biden phải thành thật với Ukraine!'
Báo Mỹ: 'Ông Biden phải thành thật với Ukraine!'
(PLO)- Thay vì những lời nói "êm tai", Mỹ nên thành thật với Ukraine rằng nước này sẽ không thể đánh bại Nga, và đàm phán - dù kết quả không hoàn toàn như Kiev muốn, là cách duy nhất cho họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm