Trong bối cảnh Nga triển khai quân dọc theo biên giới Ukraine, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã ra lệnh thành lập lực lượng đặc nhiệm để nghiên cứu xem liệu diễn biến căng thẳng cách xa hàng nghìn dặm ở châu Âu có thể ảnh hưởng thế nào đến tình hình hai bờ eo biển Đài Loan.
Theo tờ The New York Times, với việc Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, có lẽ hơn bất kỳ ai, người Đài Loan hiểu cảm giác của Ukraine rõ nhất.
Cách nhìn nhận của Trung-Đài về khủng hoảng Ukraine
Cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ về số phận của Ukraine đã trở thành vấn đề được quan tâm ở hai bờ eo biển Đài Loan. Các động thái của Trung Quốc và Đài Loan đã báo hiệu khả năng xảy ra xung đột vũ trang.
Ở Trung Quốc, một số người coi cuộc đụng độ ở Ukraine là khủng hoảng tiềm tàng đối với Mỹ, và có thể làm suy yếu sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo. Ngoài ra, nó có thể chi phối nguồn lực mà Mỹ dùng để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Binh sĩ Nga được triển khai ở sát biên giới Ukraine. Ảnh: MOSKVA NEWS AGENCY
Đối với Đài Loan, nó đã trở thành một phép thử cho việc liệu Mỹ sẽ can thiệp để ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc vào lãnh thổ này hay không.
"Nếu các cường quốc phương Tây không phản ứng với Nga, họ sẽ thúc đẩy hành động Trung Quốc đối với Đài Loan" - ông Lai I-chung, thành viên đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan nói.
Phép thử đối với quyết tâm của Mỹ
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã theo sát cuộc đối đầu, coi đó như một phép thử đối với ảnh hưởng và quyết tâm của Mỹ.
Sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo, bao gồm các hợp đồng bán vũ khí hàng trăm triệu USD trong nhiều thập niên, từ lâu đã trở thành yếu tố gây khó chịu trong quan hệ với Trung Quốc. Nó tương tự như việc Mỹ ủng hộ Ukraine, vốn nhiều lần chọc tức Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề an ninh hòn đảo này khá tương đương quan điểm của ông Putin về an ninh Ukraine. Những nỗ lực của Nga nhằm chống lại NATO lặp lại những lời phàn nàn của Trung Quốc về những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác ở châu Á, bao gồm cả với Đài Loan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: GETTY IMAGES
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã xoáy sâu vào sự chia rẽ trong NATO và miêu tả Mỹ là một bên yếu đuối và thiếu quyết đoán. Hàm ý là các chính phủ ở châu Á - Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, và chính quyền Đài Bắc không nên trông chờ vào sự hỗ trợ ngoại giao hoặc quân sự của Mỹ khi rơi vào khủng hoảng.
Ông Shi Yinhong - GS quan hệ quốc tế tại ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh nói rằng theo quan điểm của Trung Quốc, cuộc xung đột kéo dài ở châu Âu sẽ khiến Mỹ giảm khả năng tập trung đồng thời vào một cuộc đối đầu tiềm tàng ở Thái Bình Dương.
Theo GS Shi, một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ "làm tăng thêm lập trường cứng rắn hiện tại và sự sẵn sàng quân sự của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan".
Vấn đề của Đài Loan khó nhằn hơn của Ukraine
Ông Wu Qiang - nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh cho rằng về mặt nào đó, Đài Loan thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn Ukraine vì các hạn chế ngoại giao của hòn đảo.
Chỉ có 13 quốc gia và Vatican vẫn công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền. Mỹ và các nước khác dù nhiều lần phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực đối với hòn đảo nhưng vẫn không công nhận ngoại giao.
Việc thiếu sự công nhận chính thức có thể làm phức tạp thêm bất kỳ sự can thiệp quốc tế nào trong trường hợp chiến tranh.
"Ukraine đã là một quốc gia dân chủ độc lập, được quốc tế công nhận kể từ khi Liên Xô tan rã, còn địa vị của Đài Loan với tư cách là một quốc gia rất yếu" - ông Wu nói.
Những khác biệt khác trong tình hình địa chính trị của Ukraine và Đài Loan còn nằm ở sự mơ hồ chiến lược của Mỹ. Trong khi Washington nói thẳng rằng họ sẽ không gửi quân đến bảo vệ Ukraine, họ không nói liệu họ có bảo vệ Đài Loan hay không.
Chính vì thế, ông Lai cho biết nội bộ Đài Loan đang ngày càng có ý thức rằng họ sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để tự phòng thủ trước Trung Quốc.