Báo Mỹ: 'Ông Biden phải thành thật với Ukraine!'

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thông điệp rõ ràng tới người đồng cấp Vladimir Putin rằng nếu Nga ra lệnh tấn công Ukraine, Moscow sẽ phải gánh chịu hậu quả về tài chính và ngoại giao.

Tiếp theo đó, các quan chức Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và các hạn chế về ngoại giao nếu Moscow lựa chọn tấn công nước láng giềng, bao gồm loại một số ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống tài chính do Mỹ kiểm soát.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có cứng rắn như vậy với chính phủ Ukraine hay không. Trước công chúng, Washington tiếp tục nhấn mạnh cam kết của mình đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Mỹ cần thành thật với Ukraine

Theo trang National Interests, thay vì đưa ra những phát ngôn như vậy, sẽ tốt hơn nếu Mỹ thành thật với Ukraine rằng: "Chiến tranh là lựa chọn tồi tệ nhất cho bạn. Mỹ không có nghĩa vụ đứng ra bảo vệ bạn. Vì vậy, bạn, chính phủ Ukraine, cần phải làm mọi thứ trong khả năng để tìm ra một lối thoát ngoại giao ngăn chặn xung đột".

Nga đã dành ba tháng qua để xây dựng lực lượng tác chiến mạnh mẽ ở khu vực biên giới Nga-Ukraine. Khoảng 130.000 quân Nga đang đóng quân ở ba bên biên giới đất liền của Ukraine, từ biên giới phía đông của Nga đến Belarus ở phía bắc.

Đàm phán là cách duy nhất để ngăn một cuộc chiến tranh ở châu Âu. Ảnh: REUTERS

Quân đội Nga đã điều xe tăng, pháo binh, xe chiến đấu bộ binh, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không tới khu vực này, trong đó một số đến từ các căn cứ của Nga ở Viễn Đông. Nga cũng đã triển khai máy bay chiến đấu Su-35 tới Belarus để tập trận. Điều này đã khiến một số quan chức cấp cao của Mỹ phỏng đoán về một cuộc tấn công vào Ukraine vào giữa tháng 2.

Tất cả đều là tin xấu cho Ukraine. Trong khi quân đội Ukraine được trang bị tốt hơn nhiều, nhiều kinh nghiệm trên chiến trường hơn so với hồi năm 2014, thì Nga lại có nhiều nhiều súng lớn hơn.

Lực lượng quân sự của Nga có quy mô gấp 4 lần số quân mà Ukraine có. Có 12.000 xe tăng trong kho vũ khí của quân đội Nga, so với 2.500 của Ukraine. Con số thậm chí còn chênh lệch hơn đối với pháo binh (12.000 của Nga và 1.000 của Ukraine).

Về sức mạnh không quân, Nga sẽ có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hạm đội của Ukraine. Đội bay gồm 70 máy bay chiến đấu và 34 máy bay trực thăng của Ukraine có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong một cuộc chiến cường độ cao. Với sự chênh lệch này, các lô hàng vũ khí bổ sung của Mỹ đến Ukraine sẽ khó tạo ra sự khác biệt.

Đàm phán - con đường duy nhất dành cho Ukraine

Nếu chiến tranh nổ ra, Ukraine sẽ thua. Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã cảnh báo Nga có thể đổ máu. Tuy nhiên, với những lợi thế về số lượng và chất lượng vũ khí Nga, không ai tin Ukraine sẽ có cơ hội.

Do đó, lựa chọn duy nhất cho Ukraine là ngồi xuống với Nga và đi đến một thỏa hiệp cần thiết về định hướng địa chính trị của nước này.

Các quan chức ở Mỹ và châu Âu nhiều lần cho rằng Ukraine có quyền bất khả xâm phạm trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của riêng mình, thiết lập các liên minh của riêng mình và sống theo cách họ muốn. Tuy nhiên, Ukraine không thể thay đổi vị trí địa lý và địa chính trị của mình. Các quan chức Ukraine cũng không thể tự huyễn hoặc mình khi nghĩ rằng Mỹ hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ ra tay cứu mình.

Phần cuối cùng này rất quan trọng. Nếu Mỹ và NATO tiếp tục hành động như thể Ukraine sẽ sớm trở thành thành viên NATO, thì chính phủ Ukraine càng có ít lý do để tham gia đàm phán với Nga. Một cuộc chiến tranh ở châu Âu là điều cần phải tránh.

Điều này không có nghĩa là Ukraine phải nhượng bộ Nga. Mặc dù có ưu thế về quân sự, nhưng một đợt tác chiến mới dường như không phải là lựa chọn hàng đầu của Nga. Ngay cả khi Moscow lên án gay gắt Mỹ và NATO vì đã phớt lờ những yêu cầu mang tính nguyên tắc về việc mở rộng NATO, các quan chức Nga như Ngoại trưởng Sergey Lavrov vẫn để ngỏ khả năng đàm phán.

Ngày 1-2 Ngoại trưởng Lavrov đã nói chuyện với Ngoại trưởng Antony Blinken để bàn về các đề xuất của nhau. Vài ngày trước đó, các đại diện của Ukraine và Nga đã gặp nhau tại Paris theo Định dạng Normandy. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn hai năm hai bên thảo luận về cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Donbas.

Chiến tranh không phải là không thể tránh khỏi, và hy vọng về một giải pháp ngoại giao vẫn ở đó. Dù Mỹ và Nga tiếp tục có những lập trường không thể hòa giải, nhưng ít nhất cả hai đều đang giữ cho các cuộc đàm phán được tiếp tục. Tất cả điều trên càng khiến Mỹ có nhiều lý do thẳng thắn với những người bạn Ukraine của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm