Đằng sau việc Đức chỉ gửi 5.000 mũ bảo hiểm đến Ukraine: Ký ức lịch sử tàn khốc

Việc Đức từ chối gửi vũ khí đến Ukraine đã khiến một số đồng minh bối rối và tức giận. Tuy nhiên, lý do khiến quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu không làm vậy lại khá phức tạp và liên quan nhiều đến lịch sử, theo kênh BBC.

Lịch sử khắc sâu vào chính sách đối ngoại Đức

Mùa xuân năm 1945, Liên Xô tiến từ phía đông tiến vào một đồng bằng ở Đức. Phía trên vùng đồng bằng đó là ngọn đồi Seelow Heights - nơi Đức Quốc xã có vị trí phòng thủ. Giữa hai bên đã xảy ra cuộc chiến hỗn loạn. Cuối cùng, Liên Xô thắng thế, đẩy nhanh kết thúc chiến tranh, nhưng ước tính có tới 30.000 binh sĩ của họ đã thiệt mạng.

Đến thăm đài tưởng niệm ở Seelow Heights mới hiểu được lịch sử đã khắc sâu như thế nào trong tâm trí của nhiều người Đức, và nỗi kinh hoàng của thế kỷ XX vẫn còn ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này ngày nay ra sao.

Đó là một trong những lý do khiến Đức từ chối gửi vũ khí cho Ukraine, khiến các chính trị gia ở đó phản ứng dữ dội. Nhìn chung, đây là một quốc gia của những người theo chủ nghĩa hòa bình.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AP

Một cuộc khảo sát hàng năm cho thấy hầu hết người Đức tin rằng đàm phán ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết xung đột. Quân đội Đức hiếm khi tham gia vào bất cứ việc gì ngoài nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Trớ trêu thay, Đức cũng là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (mặc dù sản lượng vẫn kém Mỹ và Nga), và có sự kiểm soát chặt chẽ đối với nơi vũ khí được chuyển đến.

Chuyên gia Thomas Kleine-Brockhoff từ Quỹ Marshall của Đức cho biết: “Đức có chính sách kiềm chế lâu dài khi xảy ra xung đột quân sự và xuất khẩu vũ khí được coi là làm đầy xung đột hơn là giảm xung đột. Chính sách lâu đời này nói rằng Đức không xuất khẩu vũ khí vào các vùng xung đột”.

Đức đã rời bỏ nguyên tắc đó để trang bị cho các chiến binh Peshmerga chiến đấu chống lại IS ở miền Bắc Iraq. Tuy nhiên, tình hình ở Ukraine thì khác. Lý do là lịch sử - phát xít Đức đã giết hàng triệu người ở Ukraine và Nga, theo ông Kleine-Brockhoff.

"Đưa vũ khí vào vùng đất máu mà Đức đã góp phần tạo ra, cung cấp vũ khí cho một phần của vùng đất máu để chống lại phần còn lại của vùng đất máu là vấn đề nan giải trong cuộc tranh luận chính trị ở Đức” - ông nói.

Tình hình ở biên giới Ukraine đang thử thách chính phủ liên minh mới của Đức. Thủ tướng Olaf Scholz hiện đang chịu áp lực từ các đồng minh quốc tế để thay đổi lập trường của đất nước theo hướng diều hâu hơn.

Quân đội Nga diễn tập ở Kursk, gần biên giới Ukraine hồi tháng 12-2021. Ảnh: REUTERS

Chính phủ của ông - liên minh của đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, đã hứa hẹn một chính sách đối ngoại dựa trên các giá trị và thậm chí có những ràng buộc chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu vũ khí.

Đáp lại những lời kêu gọi gửi vũ khí đến Kiev, Thủ tướng Scholz đã đề nghị chữa trị cho những người lính bị thương ở Đức và gửi 5.000 mũ bảo hiểm tới Ukraine. Một lý do khác cho sự miễn cưỡng của Đức là vì nhiều người không tin rằng việc gửi vũ khí sẽ giải quyết được khủng hoảng.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock chỉ ra rằng Berlin là nhà tài trợ tài chính cho Ukraine và tin rằng điều đó hiệu quả hơn việc gửi vũ khí.

Ông Nils Schmidt, phát ngôn viên đối ngoại của ông Scholz cho biết: "Pháp và Đức là những người hòa giải và tôi nghĩ không thích hợp lắm để một quốc gia hòa giải gửi vũ khí đến Ukraine, cho một bên xung đột, bởi vì chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy một giải pháp ngoại giao".

Dự án Nord Stream 2

Do ảnh hưởng của lịch sử, quan hệ của Đức với Nga không giống như với các nước phương Tây khác.

Hàng ngàn công ty của Đức kinh doanh ở Nga. Nhiều người Đức - kể cả cựu Thủ tướng Angela Merkel lớn lên sau Bức màn Sắt, và học tiếng Nga ở trường. 

Tranh cãi trong quan hệ kinh tế của hai nước thể hiện rõ ở đường ống Nord Stream 2. Nếu được đưa vào hoạt động, đường ống sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt của Nga vào châu Âu thông qua Đức. 

Ông Scholz cho biết nếu Nga xâm lược Ukraine, tất cả các lựa chọn sẽ được đưa ra bàn bạc, bao gồm cả dự án Nord Stream 2. Tuy nhiên, nhiều người không tin vào lời hứa này.

"Thật khôn ngoan khi có một mức độ mơ hồ chiến lược nhất định để Putin không thể bắt đầu tính toán cái giá mà ông ấy sẽ phải trả trong trường hợp làm điều này hay điều kia" - phát ngôn viên Nils Schmidt nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm