Bộ Tư pháp bàn về chuyển đổi số, dùng AI để phổ biến pháp luật

(PLO)- Sự quyết tâm của lãnh đạo và tính khả thi của đề án sẽ quyết định sự thành công của việc chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục Pháp luật giai đoạn 2025 – 2030”.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định và các chuyên gia.

Theo Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục Pháp luật (Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban soạn thảo đề án), để chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật thành công thì phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng đó là sự quyết tâm của lãnh đạo và tính khả thi của đề án.

chuyển đổi số trong phổ biến
Tiến sĩ Lê Vệ Quốc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MT.

Cụ thể, đó là sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước. Sự nỗ lực thực hiện của các cơ quan, địa phương trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ. Công tác xây dựng đề án cũng cần đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, ban soạn thảo đề án muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp của các địa phương, cơ sở để tiếp thu.

Bà Đào Thị Phước Hạnh, Phó trưởng phòng Phổ biến - Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp TP Đà Nẵng) cho biết, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP xây dựng Trang thông tin điện tử để phổ biến, giáo dục pháp luật để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật.

Các quận, huyện, đơn vị cũng thành lập nhiều trang fanpage trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến để cung cấp thông tin pháp luật, với hàng trăm nghìn lượt người theo dõi.

Những trang này đã góp phần thông tin, tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước và phản bác, phản biện đối với các thông tin sai, trái trên không gian mạng. Đồng thời góp phần lan tỏa thông tin tích cực đến cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.

Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khuyến khích việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật.

Đặc biệt là cơ chế về kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chính sách xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

so-tu-phap-da-nang.jpg
Bà Đào Thị Phước Hạnh trình bày tại hội thảo. Ảnh: MT.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật là một xu hướng tất yếu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Chính vì vậy, cần đề xuất xây dựng hệ thống phần mềm trả lời tự động (Chatbot) kết hợp AI và dữ liệu văn bản luật nhằm tự động hoá quá trình làm việc, giảm tải cho các chuyên viên tư vấn.

Tại mỗi cơ quan hành chính nên có một đến hai máy tính phục vụ cho việc hỏi đáp/tra cứu tự động. Người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính có thể tra cứu và làm theo hướng dẫn. Thông qua việc sử dụng AI, chính quyền có thể nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật, giúp người dân tiếp cận và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm