Sáng ngày 17-5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250).
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp, sau khi Luật ban hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành luật và thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật.
Qua triển khai Luật, hệ thống tổ chức giám định tư pháp đã được củng cố kiện toàn, bao gồm tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định theo vụ việc và tổ chức giám định ngoài công lập.
Đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, cả nước có 7.135 người giám định viên tư pháp và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.
Từ năm 2018 đến ngày 30-6-2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện 1.039.615 vụ việc.
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh dần quan tâm hơn đến công tác giám định tư pháp, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chỉ đạo về giám định tư pháp, đồng thời kiểm tra công tác này tại một số bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cho thấy còn 8 tồn tại hạn chế về từ việc xây dựng văn bản hướng dẫn; tuyên truyền phổ biến Luật; hệ thống tổ chức giám định, đội ngũ giám định viên; cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho tổ chức giám định; quá trình thực hiện hoạt động giám định tư pháp; chi phí bồi dưỡng giám định, trách nhiệm cơ quan Nhà nước liên quan.
Ý kiến đóng góp của nhiều địa phương tại Hội nghị cho thấy, chi phí bồi dưỡng giám định được thực hiện theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTG đến nay đã 10 năm, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều địa phương kiến nghị sớm sửa đổi quy định này để đảm bảo thu hút nhân sự trong giám định tư pháp.
Trên thực tế, ở nhiều địa phương, tổ chức giám định tư pháp còn bị hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động dù đã được quan tâm đầu tư. Một số địa phương như Điện Biên vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất.
Một số Trung tâm pháp y cũng trong tình trạng “ăn nhờ ở đậu” Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc đơn vị khác thuộc Sở Y tế tại địa phương. Cho đến nay, Phân viện của Viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM vẫn mượn tạm một phần diện tích của một đơn vị khác trực thuộc Bộ Y tế;
Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư tại hội nghị chuyên đề về giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành và địa phương rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được quy định trong Luật Giám định tư pháp và Đề án.
Bộ Tư pháp cũng đề xuất hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp trong đó có việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp như các vấn đề liên quan đến mở rộng phạm vi xã hội hóa, phân cấp thực hiện giám định, thời hạn giám định và trách nhiệm của người trưng cầu, người thực hiện giám định; trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương… cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.