Bộ Tư pháp đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật

(PLO)- Theo Phó Thủ tướng, việc rà soát các văn bản pháp luật xem còn vấn đề gì vướng mắc để tháo gỡ là một trong những công việc quan trọng của công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Đứng đầu về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng đối với công tác xây dựng thể chế, pháp luật thì một trong những công việc quan trọng là rà soát các văn bản pháp luật, thể chế xem còn vấn đề gì vướng mắc để tháo gỡ.

“Bộ Tư pháp đóng góp rất quan trọng trong việc rà soát này” - ông Phạm Bình Minh nói và dẫn số liệu cho thấy trong năm, toàn ngành rà soát gần 28.000 văn bản, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ gần 6.000 văn bản.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023 chiều 19-12. Ảnh: TN

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023 chiều 19-12. Ảnh: TN

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022 chúng ta phải thực hiện một loạt chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế, triển khai đầu tư công...

“Tất cả các vấn đề đó, khi thực hiện, chúng ta đều thấy có vướng mắc về thể chế, trong đó có trường hợp văn bản này quy định chồng chéo, thậm chí khác biệt với văn bản khác...” - Phó Thủ tướng nói thêm và cho rằng điều này cũng đóng góp cho công tác cải cách thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng ghi nhận Bộ Tư pháp đã đóng góp vào việc xây dựng Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo ông, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra một định hướng về việc xây dựng pháp luật trong năm năm.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận đóng góp của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với trách nhiệm thẩm định tất cả dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...

Đóng góp quan trọng của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp được đánh giá đứng đầu trong các bộ, ban ngành về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Đây là thành tích rất quan trọng.

Phó Thủ tướng PHẠM BÌNH MINH

Tăng cường năng lực “phản ứng chính sách

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng lưu ý một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu thực hiện thực chất, hiệu quả Nghị quyết 27 của trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, ông Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp. Trong đó, một mặt cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này; mặt khác tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.

“Chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm” - ông lưu ý thêm.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội giao. Theo Phó Thủ tướng, thi hành án hành chính hiện còn nhiều khó khăn, là lĩnh vực Quốc hội hết sức quan tâm.

Ông Phạm Bình Minh nhắc tới việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất.

Theo ông, đây là lĩnh vực hết sức mới, quan trọng. Bộ Tư pháp được Chính phủ giao là cơ quan đại diện pháp lý về giải quyết các tranh chấp quốc tế. Các vụ kiện nếu xảy ra sẽ rất phức tạp, Bộ Tư pháp cần tham mưu và xây dựng được đội ngũ có thể tham gia các vụ kiện, đảm bảo bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Còn tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng một số mặt công tác tư pháp thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định.

Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng chất lượng pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, chưa có luật điều chỉnh, nhất là các quy định nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, hội nhập quốc tế.

Mặt khác, công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp thực sự đột phá, nhất là trong việc đảm bảo tính răn đe nên hiệu quả chưa cao; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm