Bộ Tư pháp: Không được buộc dân đi nhiều nơi xác nhận độc thân

“Người yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có/không cung cấp được giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân thì trách nhiệm chứng minh thuộc về UBND cấp xã có thẩm quyền cấp giấy xác nhận. UBND cấp xã vẫn có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ động có văn bản trao đổi với UBND cấp xã nơi đương sự thường trú trước đây để xác minh, không được bắt buộc người yêu cầu về nơi cư trú trước đây để xin giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân, không được từ chối tiếp nhận hồ sơ với lý do không có giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân…”. Đó là nội dung trong công văn mà Bộ Tư pháp vừa trao đổi với UBND TP.HCM về việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (gọi tắt là giấy xác nhận độc thân) cho công dân.

Nhiều xã giải quyết không đúng quy định

Trước đó, ngày 14-7, báo Pháp Luật TP.HCM đã đăng ý kiến bạn đọc “Xác nhận độc thân: Tại sao không cho dân tự cam kết?”. Bài viết cho rằng thủ tục xin cấp giấy xác nhận độc thân hiện nay thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân nhiều địa phương. Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015 hướng dẫn thi hành luật buộc những công dân đã từng đăng ký thường trú ở nhiều nơi khác nhau phải có trách nhiệm chứng minh. Như vậy người dân sẽ phải về rất nhiều địa phương để xin xác nhận trong khi với nhiều trường hợp, việc xin xác nhận này là bất khả thi…

Theo Bộ Tư pháp, hơn sáu tháng triển khai Luật Hộ tịch và các văn bản chi tiết thi hành, có tình trạng nhiều UBND cấp xã không chủ động tiếp nhận yêu cầu và thực hiện việc xác minh mà vẫn yêu cầu người dân phải về nơi cư trú trước đây xin giấy xác nhận, nếu không có giấy này thì không tiếp nhận hồ sơ. Trong khi đó, Thông tư số 15/2015 của Bộ đã quy định cơ chế cho phép trường hợp quá hạn mà không nhận được kết quả xác minh thì UBND cấp xã cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về nội dung cần xác minh (địa chỉ, thời gian thường trú trước đây và tình trạng hôn nhân tương ứng thời gian đó).

Làm thủ tục hành chính tại một xã ở TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Tự cam kết: E ngại không trung thực

Bộ Tư pháp cũng lý giải thêm, trước đây do chưa có cơ chế quản lý, cập nhật thông tin về nơi cư trú, tình trạng hôn nhân nên UBND cấp xã (nơi người dân thường trú) không nắm được thông tin đối với các trường hợp từng thường trú nhiều nơi khác nhau. Pháp luật hộ tịch cũng chưa quy định việc xác minh, phối hợp giữa UBND cấp xã nơi thường trú trước đây và hiện nay. Vì thế Thông tư 01/2008 của Bộ cho phép người dân cam đoan và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình. Thông tư này đã gỡ vướng cho nhiều người, phần lớn cam đoan đúng về tình trạng hôn nhân nhưng cũng có không ít trường hợp lợi dụng để cam đoan sai sự thật, gây hệ lụy không nhỏ cho người khác.

Hơn nữa, căn cứ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân thì Bộ Tư pháp sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; thu thập, cập nhật tất cả thông tin hộ tịch của cá nhân, kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, trong đó có thông tin về xác nhận độc thân. Để đảm bảo dữ liệu trên chính xác, đầy đủ, Nghị định 123/2015 quy định trong thời gian cơ sở dữ liệu chưa được vận hành thống nhất cả nước, việc cấp giấy xác nhận độc thân được thực hiện theo hướng chặt chẽ. UBND cấp xã phải có dữ liệu đúng về tình trạng hôn nhân của công dân thông qua việc cung cấp giấy tờ của người yêu cầu hoặc trao đổi với UBND cấp xã những nơi người yêu cầu đã thường trú để xác thực thông tin.

Vì thế, Bộ Tư pháp đề nghị tăng cường phổ biến tuyên truyền để người dân biết và thực hiện đúng quy định, đồng thời tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh trách nhiệm chủ động xác minh của UBND cấp xã.

Phải thống nhất trên toàn quốc

Sau công văn của UBND TP.HCM chuyển thông tin bài viết trên báo Pháp Luật TP.HCM, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời. Tựu trung lại, vì nhiều lý do, đề xuất của người dân về việc phục hồi quy định cho phép dân tự cam kết về tình trạng hôn nhân, giảm nhọc nhằn cho dân lẫn UBND xã chưa được chấp nhận. Số ít các trường hợp gian dối trong cam kết vẫn khiến nhà quản lý không yên tâm, các quy định tạo thông thoáng, thuận tiện hơn cho công dân khi yêu cầu xác nhận độc thân bị đóng lại.

Tuy vậy, Bộ Tư pháp - qua văn bản trao đổi, đã đề nghị chấn chỉnh tình trạng làm khó dân, buộc dân phải quay về địa phương nơi trường trú trước đây để chứng minh tình trạng hôn nhân.

Lưu ý trên là cần thiết, tuy nhiên lưu ý này chỉ chuyển tải bằng văn bản gửi cho một địa phương khiến người liên quan chưa đủ an tâm. Thực chất tại TP.HCM, Sở Tư pháp đã một mặt nắm bắt các thắc mắc để xin ý kiến Bộ Tư pháp hướng giải quyết với một số tình huống liên quan việc xác nhận tình trạng hôn nhân, một mặt kịp thời có các công văn hướng dẫn gửi các quận, huyện nêu rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chủ động làm văn bản đề nghị UBND xã nơi công dân từng thường trú trước đây kiểm tra, xác minh. Nhiều phường như phường Bình An (quận 2), phường 4 (Gò Vấp)… từng gửi khá nhiều văn bản cho các nơi, có trường hợp gửi một lúc năm văn bản để rõ thông tin trước khi cấp giấy xác nhận.

Điều cốt yếu là việc áp dụng và hiểu đúng quy định phải thống nhất trong cả nước. Tất cả địa phương đều phải thực hiện đúng yêu cầu làm văn bản trao đổi, xác minh; đồng thời để đảm bảo dữ liệu hộ tịch của công dân tạo độ tin cậy cho cơ sở dữ liệu trong tương lai thì UBND xã ở những tỉnh, thành nhận được yêu cầu xác minh cần có những phản hồi kịp thời, chính xác. Mỗi nơi thực hiện một kiểu sẽ khiến người dân bị hành. Sự bỏ lơ không phối hợp với nhau giữa UBND các xã trên toàn quốc dễ tạo điều kiện cho người có dụng ý xấu cam kết gian dối.

NGỌC LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm