Bộ Tư pháp phát động Giải báo chí Toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất

(PLO)- Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp nhằm khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Bộ, ngành Tư pháp, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, sáng kiến tốt.

Ngày 22-11, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất nhằm góp phần tích cực xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phát triển. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tổ chức Giải chủ trì buổi lễ.

Đây là hoạt động thiết thực hướng đến Kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì lễ phát động

Báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Giải và thông tin sơ bộ về Giải, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức Giải báo chí mang tầm quy mô, giao cho Báo phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức.

Theo ông Vũ Hoài Nam, Giải báo chí nhằm khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Bộ, ngành Tư pháp trong 80 năm xây dựng và trưởng thành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là dấu ấn của Bộ, Ngành trong công tác hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cùng với đó là việc triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Giải báo chí cũng góp phần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, những người làm công tác báo chí trong việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, sáng kiến tốt trong công tác tư pháp; những cống hiến ghi dấu ấn mạnh mẽ của những người làm công tác tư pháp, pháp chế trên cả nước, nhất là công tác tư pháp, pháp chế ở cơ sở.

TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Qua đó tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành phát huy truyền thống; tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, lan tỏa những thông điệp tích cực đến người dân, xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng ngành Tư pháp ngày càng vững mạnh.

Điểm lại các kết quả trong quá trình hình thành và phát triển của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng ban tổ chức Giải nhấn mạnh việc tổ chức Giải báo chí có ý nghĩa rất quan trọng, kịp thời để lan toả kết quả hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông cơ sở pháp luật; lan toả tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật; góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; qua đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội hướng tới Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2030).

Với ý nghĩa đó, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí, nhà báo, phóng viên, biên tập viên quan tâm, hướng ứng, có những bài viết chất lượng; giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt, gương sáng pháp luật. Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà báo, phóng viên sẽ tham gia nhiều tuyến bài khác nhau, ưu tiên tập trung vào các chuyên đề lớn như: công tác triển khai Thông báo số 108-TB/VPTW về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; việc đổi mới tư duy, cách làm trong xây dựng và thi hành pháp luật; phản ánh có tính chất phát hiện các vướng mắc về thể chế để cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế…

Về công tác tổ chức, Thứ trưởng yêu cầu Ban Tổ chức Giải chú trọng truyền thông, lan toả thông điệp, mục tiêu của Giải nhằm thu hút những “cây viết” chất lượng trên khắp cả nước; đồng thời đề nghị Ban Giám khảo thực hiện đánh giá công tâm, khách quan nhằm lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc.

Toàn cảnh buổi lễ

Tất cả các công dân Việt Nam không vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Luật báo chí, Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác đều có quyền tham dự Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất.

Tác phẩm tham dự Giải báo chí thuộc tất cả các thể loại báo chí viết về công tác Tư pháp trên toàn quốc (trừ tin và ảnh), được đăng từ ngày 1-5-2023 đến ngày 30-5-2025 trên các loại hình báo in và báo điện tử của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm tham dự Giải. Số tác giả của một nhóm tác giả không quá 7 người.

Ban Tổ chức Giải nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động Giải báo chí (ngày 22-11-2024) đến hết ngày 10-6-2025 (đối với các tác phẩm gửi qua đường bưu điện, thời hạn cuối cùng tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Báo Pháp luật Việt Nam số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.

Thể lệ và kết quả cuộc thi được đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (tại địa chỉ: www.baophapluat.vn) và Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (tại địa chỉ www.moj.gov.vn).

Lễ công bố và trao giải “Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất” sẽ được tổ chức trong tháng 8/2025, là hoạt động chào mừng 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11-2025.

Ban tổ chức sẽ trao 1 giải A trị giá 50 triệu đồng, 2 giải B mỗi giải 40 triệu đồng, 3 giải C mỗi giải 30 triệu đồng, 5 giải khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng và các giải phụ (nếu có) mỗi giải 5 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới