Ngày 26-12, Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết vừa gửi công văn về việc tăng cường hướng dẫn biện pháp bảo vệ sức khỏe đến 31 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - nơi xảy ra rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động, nhất là những người có nguy cơ cao, như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.
Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai tài liệu hướng dẫn cho cán bộ y tế cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và người lao động.
Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức, không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.
Không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại như quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi… gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này là khoảng 1-2m và nên để chế độ quay, không chiếu sưởi trực tiếp vào người.
Khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ trước khi sử dụng, đề phòng hư hỏng, đảm bảo cách điện và cách nhiệt của dây. Không giặt ướt để tránh tình trạng chập điện. Bật chế độ ấm vừa đủ và khi đủ ấm thì tắt trước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cũng cho biết người dân nên chú ý các biểu hiện của cơ thể. Nếu có xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay… cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim, do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên, kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.
Khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh, vì vậy cần phải sưởi ấm ngay.
Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.