Bom lượn - vũ khí cốt tử của Nga ở Kharkiv, Ukraine có thể làm gì?

(PLO)- Chuyên gia bày kế để Ukraine ứng phó bom lượn - loại vũ khí giúp Nga giành thắng lợi những tháng gần đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một yếu tố quan trọng trong những thành công gần đây của Nga trên chiến trường Ukraine là việc sử dụng rộng rãi bom lượn. Theo tờ Kyiv Independent, mỗi tuần, hàng trăm loại vũ khí cỡ lớn này được trút xuống Ukraine, tạo ra những miệng hố rộng đến 20 m và xóa sổ các vị trí quân sự cũng như các khu định cư ở Ukraine.

Mặc dù có thiết kế đơn giản và chi phí sản xuất thấp, bom lượn đã trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất của Nga trong cuộc chiến tranh tổng lực. Hồi tháng 2, loại vũ khí này góp phần giúp quân Moscow giành quyền kiểm soát TP chiến lược Avdiivka (tỉnh Donetsk), đánh dấu thắng lợi lớn đầu tiên của Nga sau 9 tháng.

Gần đây, Nga tiếp tục dựa vào bom lượn để dọn đường cho lực lượng bộ binh trong cuộc tấn công vào tỉnh Kharkiv (miền đông Ukraine, giáp với Nga). Đến nay, lực lượng Nga đã chiếm được một số ngôi làng gần biên giới hai nước và tiến vào TP Vovchansk.

Các chuyên gia cảnh báo rằng bom lượn có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với Ukraine, vốn có rất ít khả năng phòng thủ trước những quả bom này. Theo các chuyên gia, Nga được cho là ​​sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt bom lượn để hỗ trợ các hoạt động tấn công tiếp theo.

Bom lượn giúp Nga thắng thế ở Kharkiv, Ukraine có thể ứng phó thế nào?
Các mảnh bom sau vụ không kích của Nga vào TP Saltivskyi, tỉnh Kharkiv (Ukraine) hôm 23-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Bom lượn là gì?

Bom lượn là một loại bom tiêu chuẩn được điều chỉnh để có thể thả từ trên không. Bom lượn có từ Thế chiến hai, với bom lượn Fritz X của Đức là mẫu đầu tiên. Sau này, Mỹ đã phát triển và sử dụng một số loại bom lượn trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan.

Tại chiến trường Ukraine, Nga chủ yếu sử dụng bom lượn FAB có từ thời Liên Xô, được nâng cấp với module dẫn đường và hiệu chỉnh thống nhất, bao gồm cánh lượn được gắn bên ngoài giúp tăng cường khả năng tấn công chính xác.

Việc chuyển đổi một quả bom thông thường, không có điều khiển, thành một quả bom thông minh tốn khoảng 20.000 USD, khiến bom lượn trở thành một giải pháp thay thế rẻ hơn nhiều so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, vốn tiêu tốn hàng triệu USD để sản xuất.

“Tầm bắn của những loại bom lượn rất khác nhau tùy thuộc vào trọng lượng, độ cao và tốc độ của máy bay thả bom, nhưng nhìn chung không vượt quá 50-60 km” - theo ông Federico Borsari, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA, Mỹ).

Tầm bắn này đủ để bom lượn tránh được các hệ thống phòng không Ukraine.

Bom lượn của Nga có thể cực kỳ nặng. Loại bom lượn lớn nhất mà Moscow sử dụng để tấn công Ukraine nặng khoảng 1,5 tấn và được mệnh danh là “kẻ hủy diệt công trình”.

Moscow cũng cho biết đang sản xuất bom lượn mới, chẳng hạn như siêu bom lượn FAB-3000 nặng đến 3,4 tấn.

Ukraine cũng có bom lượn do các đồng minh phương Tây cung cấp, chẳng hạn bom tấn công trực diện phối hợp JDAM và bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB). Mặc dù những vũ khí này chính xác và tinh vi hơn so với các loại bom lượn của Nga, nhưng kho vũ khí của Kiev hạn chế hơn nhiều so với Moscow.

Nga đã sử dụng bom lượn ở chiến trường Ukraine như thế nào?

Lực lượng Nga bắt đầu sử dụng bom lượn ở chiến trường Ukraine vào đầu năm 2023 để bù đắp cho sự thiếu vũ khí dẫn đường chính xác.

TS Fabian Hoffmann, nhà nghiên cứu tại ĐH Oslo (Na Uy) nói với Kyiv Independent rằng Nga có số lượng lớn bom không dẫn đường và để không lãng phí nguồn lực này cũng như đảm bảo không cạn kiệt hỏa lực, quân đội Nga đã chế tạo các module dẫn đường để biến chúng thành bom lượn dẫn đường.

Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường tấn công bằng bom lượn, được cho là hơn 100 quả mỗi ngày. Đầu tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đã phóng tổng cộng 3.200 bom dẫn đường các loại vào Ukraine chỉ trong tháng 4.

Một số binh sĩ Ukraine nói rằng lý do chính khiến Nga tiến nhanh ở tỉnh Kharkiv là do Ukraine thiếu các công sự thực sự vững chắc để chống lại các cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga.

“Bom lượn sẽ không phá hủy các boongke dưới lòng đất hay xuyên thủng vài mét bê tông, nhưng hầu hết các công sự của Ukraine dọc theo chiến tuyến đều dễ bị tổn thương trước sức công phá của loại vũ khí này” - TS Hoffmann nói thêm.

Bom lượn giúp Nga thắng thế ở Kharkiv, Ukraine có thể ứng phó thế nào?
Lực lượng khẩn cấp Ukraine dập lửa sau cuộc không kích của Nga ở tỉnh Kharkiv (Ukraine) ngày 14-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Ukraine có thể phòng thủ trước bom lượn Nga như thế nào?

Theo TS Hoffmann, không giống như tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái, bom lượn gần như không thể bị bắn hạ vì nó có cấu trúc bằng sắt nặng và lao tới với tốc độ cực nhanh từ trên cao.

Một phương pháp để đánh chặn bom lượn là làm suy giảm tín hiệu GPS bằng tác chiến điện tử, khiến quả bom trượt mục tiêu. Tuy nhiên, năng lực tác chiến điện tử của Ukraine cũng còn hạn chế và khiêm tốn hơn nhiều so với Nga.

Giải pháp tốt nhất để Ukraine chống lại bom lượn là tiêu diệt máy bay mang bom lượn trước khi máy bay kịp thả bom.

“Các hệ thống phòng không tầm xa, như hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và hệ thống phòng không SAMP-T có thể bắn hạ máy bay hoặc khiến máy bay di chuyển ra khỏi độ cao thích hợp để thả bom lượn” - chuyên gia Borsari nhận xét.

Quân đội Ukraine cho biết đã bắn hạ 15 máy bay quân sự Nga chỉ trong tháng 2, trong đó có đóng góp lớn của hệ thống Patriot. Nhưng chuỗi thành công đã kết thúc vào tháng 3 sau khi lực lượng Nga được cho là đã phá hủy được hai bệ phóng Patriot của Ukraine ở tỉnh Donetsk. Kể từ đó, Ukraine đã phải rút Patriot ra khỏi chiến trường.

Kiev gần đây đã tăng cường kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp thêm các hệ thống phòng không tầm xa. Tổng thống Zelensky nói rằng Kiev cần 25 hệ thống Patriot hoặc các khí tài tương đương để bảo vệ bầu trời Ukraine.

Ngoài ra, các máy bay hiện đại như máy bay chiến đấu F-16 cũng có thể giúp Ukraine đối phó với bom lượn. Một phần trong số hàng chục máy bay phản lực mà các đồng minh phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào mùa hè.

Ông Hoffmann cho rằng sự hiện diện F-16 trên bầu trời Ukraine với số lượng đủ nhiều sẽ “tạo ra một khu vực cấm mà Nga không thể xâm nhập”.

“Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ trở thành mục tiêu, các đơn vị Ukraine cần duy trì khả năng cơ động đáng kể, tránh tụ tập đông binh sĩ trong thời gian dài, đồng thời cải thiện khả năng ẩn giấu các vị trí và đơn vị” - Kyiv Independent dẫn lời ông Borsari.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm