Bom dùng để giết người, ai cũng biết thế. Nhưng những suy nghĩ tận cùng của người quê tôi, thứ chết tiệt ấy có thể đổi được cơm gạo - điều thiết thực, trước mắt hơn những lời cảnh báo và những vụ nổ nhãn tiền. Bởi dân quê tôi, những người từng đối diện với sự khốc liệt của cuộc chiến mấy chục năm về trước, họ hiểu rõ hơn ai hết cụm từ “chiến tranh” và những quái thai của nó.
Cũng chẳng cách hiện tại xa là mấy, lũ trẻ chăn trâu như chúng tôi vẫn thường đợi những trận mưa rào. Nước lớn sẽ cuốn đi lớp đất thịt, đỏ như máu, để lại những mảnh bom. Thứ đó có thể đội kẹo kéo, kem… và những nụ cười. Những đứa lớn hơn có thể dùng cuốc đào đất lên ở những chỗ đất cháy, trũng. Dưới lớp đất chừng 40-50 cm sẽ là những mảnh sắt, đồng hoặc nhôm, thứ sót lại từ những họng pháo được bắn từ phía biển mấy chục năm về trước. Những người lớn hơn có kinh nghiệm, họ sẽ biết chỗ có bom, bom tịt, bom lùi (thứ bom để dò địa đạo). Chúng không thể thoát khỏi những đôi mắt bình thường chỉ biết đến củ sắn, củ khoai. Và những vụ nổ thi thoảng vẫn xảy ra.
Những đám tang được báo trước bằng tiếng động đó. Thường là vào buổi trưa hoặc chập choạng. Trong những bữa cơm thỉnh thoảng người làng nghe thấy những tiếng ùm vang vọng trong lòng đất. Mẹ tôi lại đặt bát, chép miệng: “Lại có người chết rồi!”. Sáng hôm sau, câu chuyện sẽ được kể ở chợ, nơi dân quê hay chuyện vẫn xem như nơi thông tấn. Đại khái, cũng giống như các báo hiện nay đưa, một cái tên, con ông nào, sự thể, khung cảnh… Và những chuyện như vậy không hiếm.
Tôi đã có dịp đi cùng MAG - những người tìm bom đạn và tiêu hủy chúng. Họ làm việc trong một sứ mệnh hằn gắn một vết thương nào đó nhưng nó chẳng bao giờ có thể liền da. Thật tồi tệ. Có những câu chuyện được kể lại. Đại khái, người dân đào được bom, họ không muốn giao nộp mà giấu chúng dưới gầm giường. Để một buổi trưa hoặc chập choạng chiều, một người có kinh nghiệm sẽ được thuê tới để cưa bằng cưa sắt và ống tizo truyền nước. Họ làm điều đó thật đơn giản, dưới con mắt chứng kiến của một hoặc nhiều người hiếu kỳ bao gồm cả trẻ con. Thuốc bom sau đó bán cho những người đánh cá hoặc ai đó, tiền sẽ được chia tỉ lệ 70-30. Nếu bom nổ là do kém may mắn hoặc là do lười tiếp nước chứ không phải thiếu kinh nghiệm. Ở đây không có chỗ dành cho kinh nghiệm, ai cũng nghĩ thế.
Hiện nay vẫn còn nhiều làng vùng giới tuyến lấy nghề rà tìm phế liệu làm cánh mưu sinh lúc nông nhàn. Những thanh niên nông dân trai tráng có khi cùng vợ sẽ sắm máy dò kim loại và dấn thân vào những canh bạc với mạng sống của mình dưới một hai nhát cuốc. Và điều tồi tệ - theo họ là những quả bom bi nhỏ chứ không phải là quả bom lớn - thứ có thể giết chết ngay một hoặc một nhóm người.
Và thời bình, bom vẫn nổ. Những tiếng nổ đã biến hiện thực thành một nỗi buồn khốn khổ. Người ta sẽ gắng tìm một lý do. Đói nghèo, kém hiểu biết luôn luôn là một kẻ tội đồ. Nhưng một ai đó hãy nghĩ đặt vào tay một người nghèo khó một quả bom, họ sẽ chạy báo ngay cho nhà chức trách trong hoảng loạn. Xin đừng nhân danh nghèo khó để biện minh cho một hành động liều lĩnh có thể giết mình và hại rất nhiều người.