Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, liên tiếp những ngày qua Công an huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã có giấy triệu tập và làm việc với ít nhất ba tài xế sử dụng tiền lẻ để trả phí qua Trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Trong đó có hai tài xế taxi và một phụ nữ làm nghề tự do.
Bức xúc vì “không ăn bánh cũng phải trả tiền”
Một tài xế (xin giấu tên) cho biết trong ba ngày qua anh đã dùng tiền lẻ để trả phí nhằm phản đối mức phí tại quốc lộ 5 quá cao. Từ đó anh chịu nhiều áp lực từ công ty như dọa đuổi việc. Tiếp đó anh bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Công an huyện Văn Lâm với lý do ghi trên giấy là “để làm việc theo yêu cầu điều tra”.
Tại trụ sở Công an huyện Văn Lâm, anh được lực lượng công an “nhắc nhở” hành động trả phí bằng tiền lẻ.
“Khi công an hỏi tôi vì sao dùng tiền lẻ, tôi bảo tuyến đường này hư hỏng nhưng phí quá cao, mỗi lần chở người thân đi ăn uống, cà phê, tiền phí nhiều hơn tiền xăng và tiền cà phê cộng lại.
Sau đó công an bảo: “Giờ anh nên ghi lời khai theo hướng: Khi chở người thân đi, tôi có tiền lẻ thì rút ra trả như bình thường chứ không phải phản đối mức phí cao...”. Ý các anh ấy bảo tôi viết theo kiểu không phản đối giá trạm thu phí... Tôi biết điều đó nhưng vì phải ngồi ở trụ sở hơn bốn tiếng và chịu một số áp lực nhất định nên tôi đành phải chiều theo hướng có trả tiền lẻ nhưng không phản đối mức phí để nhanh chóng về nhà” - tài xế này kể lại.
Tài xế này cũng cho biết việc mình và một số người khác trả tiền lẻ mục đích giúp cơ quan chức năng nhận ra cái sai để sửa nhằm mang lại công bằng cho người dân.
“Người dân chúng tôi không thể trả phí cho một con đường mà mình chưa từng đi, làm sao lại có chuyện “không ăn bánh cũng phải trả tiền”...” - tài xế này nói.
Tương tự, tài xế MP cũng cho biết chị bị công an mời lên làm việc hai lần. Nội dung chi tiết chị không tiện nói vì ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
“Tôi là người dân, không phải doanh nghiệp vận tải gì cả nhưng tôi bức xúc việc trả phí cao nên phản đối. Hành động của tôi rất trong sáng là muốn đòi lại sự công bằng cho người dân chúng tôi” - chị MP chia sẻ ngắn gọn.
Tài xế BM dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT quốc lộ 5 để phản đối mức phí. Ảnh: VIẾT LONG
Khu vực Trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Ảnh: VIẾT LONG
“Tôi cũng thấy vô lý, huống gì người dân”
Một CSGT ở tỉnh Hải Dương (xin giấu tên) cho biết Trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 được nâng cấp, cải tạo từ năm 1996 và hoàn thành năm 1998. Trước đây trạm thu phí chỉ thu 10.000 đồng, giờ lên 40.000 đồng nhưng đường bao năm nay không được đầu tư và sửa chữa.
“Vị trí nào bị “sống trâu”, họ dùng máy cào đi một chút hoặc đào lên vá lấp một chút. Nên việc thu phí này mình cũng bức xúc, huống gì là người dân...” - vị CSGT này chia sẻ. Chạy dọc quốc lộ 5, chúng tôi gặp nhiều người dân (không kinh doanh vận tải) đều cho rằng mức phí quốc lộ 5 không tương xứng với mặt đường. Theo người dân, tuyến đường này đã được đóng phí đầy đủ, lẽ ra giờ con cháu họ phải được hưởng thụ thành quả của cha ông, nếu phải đóng phí có chăng chỉ là phí bảo trì đường bộ.
“Vì vậy việc Nhà nước giao cho Công ty Vidifi thu phí để hoàn vốn cho một dự án là quá vô lý. Tôi cho rằng đây là câu chuyện hài hước theo kiểu “đời cha đóng phí, đời con lại tiếp tục... đóng cao hơn”, thật khó chấp nhận...” - ông Nguyễn Hòa, một người dân TP Hải Dương, bức xúc.
Dân dùng tiền lẻ qua BOT: “Không thể hình sự hóa” Ngày 8-9, tại buổi tọa đàm khoa học "Các dự án BOT - chính sách và giải pháp, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng trước tiên việc người dân dùng tiền lẻ qua trạm không có gì sai, nếu đòi xem xét khởi tố người dân tội này chứng tỏ công an không hiểu vấn đề. “Còn việc gây rối, chúng ta phải xem động cơ là gì. Tôi cho rằng động cơ kêu gọi chống lại sự bất công không cấu thành tội hình sự, còn động cơ kêu gọi phản đối nhằm mục đích gây mất ổn định thì mới cấu thành tội phạm. Anh không thể hình sự hóa một hành vi không phạm luật...” - ông Dũng nhấn mạnh. Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM trong các ngày qua, tại khu vực Trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), lực lượng công an, cảnh sát cơ động vẫn đang phối hợp với doanh nghiệp để điều tiết giao thông. Hiện tượng tài xế dùng tiền lẻ đã giảm hẳn so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, cánh tài xế, người dân vẫn còn bức xúc. Liên quan đến việc triệu tập tài xế, chúng tôi đã liên hệ với ông Vương Văn Nhật, Trưởng Công an huyện Văn Lâm (Hưng Yên), nhằm làm rõ sự việc nhưng bất thành. Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi bằng tin nhắn: Có hay không việc Công an huyện Văn Lâm “định hướng” câu trả lời cho tài xế nhưng không nhận được phản hồi từ vị trưởng công an huyện. |