Vụ tông xe liên hoàn trên đường cao tốc vào chiều 3-4 khiến nhiều người bị thương, nhiều ô tô hư hỏng nặng được các tài xế cho rằng nguyên nhân khởi nguồn từ khói đốt đồng tràn qua đường cao tốc làm hạn chế tầm nhìn.
Vậy tài xế, đơn vị quản lý công trình đường bộ, người đốt đồng có trách nhiệm như thế nào, có phải liên đới bồi thường?
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích:
Theo Điều 12 Luật Giao thông đường bộ và Điều 11 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ như sau: Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.
Cụ thể, tại Điều 12 của thông tư này quy định khá rõ ràng về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi mặt đường khô ráo:
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
>60 | 35 |
80 | 55 |
100 | 70 |
120 | 100 |
Ngoài ra, khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định trên.
Khói mù mịt trên cao tốc
Trong vụ việc này cần phải làm rõ và xác định các yếu tố lỗi (nếu có) để làm cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự của các bên.
Đối với lái xe:
Theo Điều 5 Luật Giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau:
-Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường.
-Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi.
Trong khi đó ở đây khói làm hạn chế tầm nhìn không phải xuất hiện một cách đột ngột, từ xa tài xế vẫn có thể quan sát thấy. Do đó, khi thấy khói các xe phải giảm tốc độ, cho xe chạy chậm lại nhưng vẫn phải giữ khoảng cách an toàn giữa các xe thì tai nạn đã không xảy ra.
Đối với đơn vị quản lý công trình đường bộ: Đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, có biện pháp phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra đối với công trình đường bộ.
Trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có một số đoạn gắn camera. Nếu đơn vị quản lý đoạn đường quan sát trên camera mà thấy khói, nhưng không chủ động khắc phục kịp thời như dập tắt lửa và có những cảnh báo tới những phương tiện đang tham gia giao thông… thì đơn vị này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Đối với người đốt tạo khói làm hạn chế tầm nhìn các phương tiện lưu thông: Mặc dù đây có thể là lỗi vô ý, người đốt đồng không mong muốn hậu quả xảy ra khi có tai nạn và có thiệt hại thì người này cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.