15-1 là một trong những ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử chính trị Nga gần đây, nhà báo Bryan MacDonald (Ireland) làm việc tại Nga viết trên đài RT. Ngày đáng nhớ này đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất sửa đổi hiến pháp khi phát biểu thông điệp liên bang trước Quốc hội.
Giảm quyền tổng thống
Ông Putin muốn phân bổ lại quyền lực giữa tổng thống và Quốc hội, theo hướng chuyển giao quyền bổ nhiệm thủ tướng và các thành viên chính phủ từ tổng thống (trước đây) sang Hạ viện; và tổng thống không có quyền bác bất cứ vị trí nào.
Sau đề xuất của ông Putin, Thủ tướng Dmitry Medvedev thông báo ông và chính phủ từ chức, nhằm tạo điều kiện cho ông Putin xúc tiến sửa đổi hiến pháp. Trước mắt ông Medvedev cùng nội các vẫn kiêm nhiệm vị trí cho tới khi chính phủ mới thành hình. Theo hãng tin Sputnik, sau khi rời ghế thủ tướng, ông Medvedev sẽ giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia - cơ quan quyền lực có nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống về các chiến lược an ninh quốc gia, theo đề nghị của ông Putin.
Ngày 16-1, nhân vật được ông Putin đề cử thay ông Medvedev - Cục trưởng Cục Thuế Liên bang Mikhail Mishustin đã được Hạ viện thông qua sẽ trở thành thủ tướng mới, thay ông Medvedev, đài RT đưa tin.
Ông Putin đề xuất những người nắm các vị trí trọng yếu đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia, bao gồm thủ tướng, thành viên nội các, các thống đốc, người đứng đầu các cơ quan liên bang, các nghị sĩ, các thẩm phán… và cả các ứng viên tổng thống không được có quyền song tịch hay quyền cư trú ở nước ngoài.
Một đề xuất nữa của ông Putin là tổng thống tương lai của Nga phải là người sống ở nước này 25 năm liên tiếp (chứ không phải 10 năm như quy định hiện tại) và chưa bao giờ có hộ chiếu nước ngoài hay có quyền cư trú ở nước khác.
Theo nhà khoa học chính trị Dmitry Trenin - Giám đốc trung tâm Carnegie Moscow Center (Nga - nghiên cứu chính sách đối nội, đối ngoại, quan hệ và an ninh quốc tế), mục tiêu của quy định này nhằm ngăn chặn các thành phần chống đối chính phủ Nga và thân phương Tây chạy đua tổng thống. Đài Deutsche Welle (Đức) cho rằng đề xuất này nhằm ngăn các nhân vật đối lập đang sống lưu vong như ông Mikhail Khodorkovsky chạy đua tổng thống. Tại Nga, lãnh đạo đối lập Alexei Navalny lên án các đề xuất chỉ nhằm mục đích củng cố quyền lực của ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có bước đi sẽ làm thay đổi bức tranh chính trị Nga. Ảnh: US NEWS
Bức tranh chính trị sẽ thế nào?
Bên cạnh muốn chuyển giao quyền lực nhiều hơn cho Quốc hội, ông Putin còn muốn mở rộng vai trò của Hội đồng Nhà nước - cơ quan tư vấn cho tổng thống Nga về các vấn đề quan trọng của Liên bang Nga, được thành lập theo sắc lệnh tổng thống của ông Putin năm 2000. Hiện tại Hội đồng Nhà nước bao gồm lãnh đạo các vùng của Nga và thành viên của văn phòng tổng thống.
Trong thông điệp liên bang, ông Putin nói ông đồng ý với giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống và xác nhận sẽ rời vị trí tổng thống vào cuối nhiệm kỳ hiện tại (năm 2024).
383 hạ nghị sĩ ủng hộ ông Mishustin làm thủ tướng, không nghị sĩ nào bỏ phiếu chống nhưng 41 nghị sĩ thuộc đảng Cộng sản Nga chọn bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Nga ngày 16-1. |
Đánh giá về đề xuất của ông Putin, nhà báo MacDonald cho rằng với việc chuyển quyền bổ nhiệm thủ tướng và thành viên nội các sang Hạ viện, ông Putin vạch lộ trình rời khỏi điện Kremlin, phần nào chuẩn bị cho tiến trình chuyển tiếp quyền lực.
Nói với đài RT, ông Dmitry Trenin cho rằng các đề xuất này “mở đường tái định dạng hệ thống quyền lực trước kỳ bầu cử tổng thống 2024”.
Ngày 15-1, ông Putin nhấn mạnh Nga vẫn cần duy trì một “nền cộng hòa tổng thống mạnh”. Tuy nhiên, từ các nội dung đề xuất, nhà báo MacDonald nhận xét ông Putin có thể muốn cân đối hơn quyền lực tổng thống và các nhánh quyền lực khác của nhà nước. Quyền lực và ảnh hưởng của tổng thống mới sẽ hạn chế hơn của ông Putin hiện tại. Trong khi đó thủ tướng sẽ có quyền lớn hơn, độc lập hơn so với tổng thống. Vai trò của Quốc hội cũng sẽ tăng hơn.
Bản thân ông Medvedev lúc thông báo từ chức có nói rằng “các thay đổi này một khi được thực thi… sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn không chỉ với một số điều khoản của hiến pháp mà cả với cán cân quyền lực nói chung”.
Từ nhận định này, nhà báo MacDonald cho rằng sau khi rời điện Kremlin, khả năng ông Putin sẽ về lãnh đạo Hội đồng Nhà nước với vai trò như một “cố vấn nhà nước lão làng”. Một khả năng khác, theo đài Deutsche Welle, có thể ông Putin để mở khả năng sẽ quay lại với ghế thủ tướng, vị trí ông từng giữ giai đoạn 2008-2012.
Mikhail Mishustin - Thủ tướng “mới toanh” của Nga Ông Mishustin, 53 tuổi, có hai bằng tiến sĩ về công nghệ và kinh tế. Năm 1998 ông được bổ nhiệm vị trí cục phó Cục Thuế nhà nước Nga. Thời gian 1999-2004, ông giữ chức thứ trưởng Bộ Thuế quan và Phí. Giai đoạn 2004-2006, ông là giám đốc Cơ quan Địa chính Liên bang. Đến năm 2007, ông chuyển sang làm giám đốc Cơ quan Quản lý các khu kinh tế đặc biệt. Năm 2010, ông giữ chức cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga.
Dấu ấn của ông là tạo sự thoải mái hết sức có thể cho công dân, đặc biệt là doanh nghiệp, trong làm việc với cơ quan thuế, cũng như công nghiệp hóa hệ thống thuế, giảm bớt độ cồng kềnh, quan liêu. So với năm 2010, ngân sách nhà nước Nga năm 2018 tăng tới hơn 2,76 lần (21.300 tỉ rub, tương đương 346 tỉ USD). Năm ngoái báo Financial Times (Anh) gọi ông Mishustin là “người đánh thuế trong tương lai” với vai trò tái thiết hệ thống thuế xuất nhập khẩu của Nga trở thành một trong những hệ thống tiên tiến và hiệu quả nhất thế giới. Từ bề dày hoạt động của ông Mishustin có thể chắc một điều là thủ tướng mới của Nga là người có kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế. Với nhiều nhà quan sát cả trong và ngoài nước Nga, việc ông Putin đề cử ông Mishustin là bất ngờ lớn và gợi nhớ việc Tổng thống Boris Eltsin tiến cử ông - khi đó cũng không được nhiều người biết - làm thủ tướng năm 1999. |