Ngày 15-1, chính phủ Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố từ chức, vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất một số thay đổi trong Hiến pháp với nội dung phân bổ lại quyền lực giữa tổng thống và Quốc hội.
Theo hãng tin Sputnik thì chính phủ Thủ tướng Medvedev sẽ tạm thời tiếp tục giữ vị trí đến khi chính phủ mới được thành lập. Theo luật thì ông Putin có hai tuần để bổ nhiệm thủ tướng mới.
Tổng thống Putin đã đề nghị Thủ tướng Medvedev giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia - cơ quan quyền lực có nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống về các chiến lược an ninh quốc gia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (cùng ngồi giữa bàn, bên trái) gặp các thành viên chính phủ Nga ngày 15-1. Ảnh: SPUTNIK
Vậy nội dung cụ thể mà ông Putin muốn thay đổi trong Hiến pháp là gì mà ông Medvedev và chính phủ quyết định từ chức?
Theo Hiến pháp hiện hành được thực hiện từ năm 1993, chính phủ thực hiện quyền hành pháp; soạn thảo và thi hành ngân sách liên bang và thực hiện chính sách quốc gia trong các lĩnh vực tài chính, chính sách đối ngoại, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học,…
Chính phủ có thể đệ yêu cầu từ chức lên tổng thống và tổng thống cũng có quyền giải tán chính phủ. Một cách khác để giải tán chính phủ là Hạ viện thông qua một bản kiến nghị không tín nhiệm, tuy nhiên tổng thống có quyền bác bỏ bản kiến nghị này.
Tổng thống có quyền bổ nhiệm thủ tướng với sự đồng ý của Hạ viện. Có thể thấy điều này qua việc ông Putin hai lần bổ nhiệm ông Medvedev làm thủ tướng, năm 2012 và năm 2018, sau khi ông thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Tổng thống cũng có quyền bổ nhiệm các phó thủ tướng chính phủ và các nghị sĩ, theo đề xuất của thủ tướng. Tổng thống có quyền giải tán cả thủ tướng và các thành viên nội các.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (phải) nói ông và chính phủ từ chức để tạo điều kiện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và thực hiện thay đổi Hiến pháp. Ảnh: SPUTNIK
Phát biểu trước Quốc hội hôm 15-1, ông Putin đề xuất thay đổi Hiến pháp theo hướng tăng quyền lực cho Quốc hội. Cụ thể ông kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để có thể trao Quốc hội quyền chọn thủ tướng và các thành viên chính phủ, thay vì tổng thống chọn như trước đây.
Theo thông tin từ Sputnik thì hiện các nghị sĩ đã bắt tay bàn bạc để đưa các đề xuất thay đổi của ông Putin vào thực hiện.
Bên cạnh đề xuất thay đổi này, ông Putin cũng nhấn mạnh Nga vẫn cần duy trì một “nền cộng hòa tổng thống mạnh”.