Trong Thông điệp liên bang năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra nhiều quan điểm quan trọng về các vấn đề nội bộ của nước Nga, theo báo The Moscow Times ngày 15-1.
Cụ thể, Tổng thống Putin đã đưa ra các đề xuất thay đổi nội dung và hiệu lực của Hiến pháp Nga, lạc quan về tiềm lực quân sự, hy vọng về tình hình kinh tế nhưng cũng lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và mức độ đói nghèo trong nước.
Ngày 15-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp liên bang năm 2020 trước Quốc hội Liên bang Nga. Ảnh: TASS
Đề xuất nội dung sửa đổi hiến pháp
Ông Putin muốn hiến pháp trao nhiều quyền hơn cho Quốc hội, bao gồm quyền chọn thủ tướng và các thành viên chính phủ thay vì tổng thống chọn như trước đây.
Về thể chế nhà nước, chủ nhân Điện Kremlin cho rằng "nước Nga vẫn nên là một quốc gia cộng hòa tổng thống vững mạnh".
Tổng thống Nga cũng khẳng định sự ủng hộ của mình đối với quy định giới hạn một tổng thống Nga không thể giữ cương vị này trong nhiều nhất là hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Trên hết, ông Putin nhấn mạnh nước Nga "cần một cuộc trưng cầu dân ý về toàn bộ nội dung sửa đổi Hiến pháp".
Sức mạnh quốc phòng của Nga
Ông Putin nhấn mạnh "lần đầu tiên, nước Nga không phải đuổi theo để bắt kịp bất kỳ ai" trong lĩnh vực chế tạo và phát triển vũ khí.
Nhắc lại quan điểm phát triển tiềm lực quốc phòng vì mục đích phòng thủ, Tổng thống Nga nói: "Chúng ta (nước Nga - PV) không đe dọa và cũng không muốn áp đặt ý chí của mình lên bất kỳ ai". Đồng thời, các hoạt động "tăng cường an ninh quốc gia đã được thực hiện kịp thời và ở một mức độ vừa đủ".
"Chúng ta không phải bắt kịp bất kỳ ai, mà ngược lại các quốc gia hàng đầu thế giới khác sẽ phải phát triển các loại vũ khí mà Nga đã có" - ông Putin nói tiếp.
Tên lửa đạn đạo Kinzhal là một trong những "siêu vũ khí" được Tổng thống Putin tiết lộ năm 2018. Ảnh: TASS
Quy định về hiệu lực của các điều luật quốc tế
Tổng thống Putin cho rằng cần có những thay đổi trong hệ thống pháp luật Nga để "trực tiếp đảm bảo Hiến pháp Nga là ưu tiên trên hết trong hệ thống pháp lý của đất nước".
"Điều này có nghĩa là các quy định pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế và các quyết định của các tổ chức quốc tế chỉ được áp dụng trong lãnh thổ Nga khi các quy định này không hạn chế quyền công dân, quyền con người và sự tự do của người dân và không được mâu thuẫn với Hiến pháp" - ông giải thích.
Triển vọng nền kinh tế Nga
Tổng thống Putin đặt ra yêu cầu chính phủ "cần tạo điều kiện đã thu nhập thực tế tăng lên đáng kể" trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định.
Cụ thể, ông Putin đề xuất nước Nga "cần có những thay đổi mang tính cấu trúc và gia tăng tính hiệu quả của nền kinh tế". Ông cũng đặt mục tiêu Nga sẽ có "tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn phần còn lại của thế giới vào năm 2021".
Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng từ năm 2020, tốc độ tăng trưởng đầu tư hằng năm sẽ không thấp hơn 15% và tỉ trọng đóng góp của nguồn vốn này sẽ nền kinh tế sẽ tăng lên mức 25% vào năm 2024.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học
Ông Putin nhấn mạnh nước Nga hiện tại đang phải đối mặt với những "trọng trách lịch sử" là "thoát được khỏi bẫy nhân khẩu học" và "đảm bảo tốc độ gia tăng dân số tự nhiên bền vững vào giữa thập niên tới".
Tổng thống nhắc lại một vấn đề nan giải là tỉ lệ sinh thấp ở Nga. Ông đặt mục tiêu nước Nga phải tăng tỉ lệ này lên mức 1,7 trẻ/phụ nữ vào năm 2024.
Các chính sách giảm đói nghèo
Tổng thống Nga cho biết "nhà nước sẽ cung cấp trợ cấp thường xuyên cho các công dân có thu nhập thấp, hỗ trợ đào tạo nghề và đào tạo nâng cao, cũng như hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm hoặc tự tổ chức kinh doanh nhỏ".
Ghi nhận việc các vùng đã áp dụng cơ chế "hợp đồng xã hội" nhưng ông Putin cho rằng hiệu quả "vẫn còn rất thấp" trong khi tác động của nó lên chính sách giảm đói nghèo và việc gia tăng thu nhập hộ gia đình còn yếu.
Liên hệ tới cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, Tổng thống Putin gọi khả năng "một số lượng đáng kể các gia đình có thu nhập thấp" là "một vấn đề cấp bách gây ra mối đe dọa trực tiếp" cho xã hội Nga.