Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 26-9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế thế giới sắp tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xung đột Nga - Ukraine, theo trang tin Euronews.
OECD dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% vào năm 2022 và 2,2% vào năm 2023, mức điều chỉnh giảm so với ước tính 2,8% hồi tháng 6.
|
OECD dự báo lạm phát vẫn sẽ ở mức cao trong năm 2023, dù kinh tế giảm tăng trưởng. |
Báo cáo OECD vẽ ra bức tranh ảm đạm về nền kinh tế thế giới: Niềm tin kinh doanh, thu nhập khả dụng và chi tiêu hộ gia đình đều giảm mạnh, trong khi chi phí nhiên liệu, thực phẩm và giao thông tăng mạnh. Lạm phát lan tràn “trên diện rộng” và sẽ giảm dần trong suốt năm 2023 - do các nước tăng mạnh lãi suất, thắt chặt điều kiện tài chính - nhưng vẫn ở mức đặc biệt cao.
OECD dự báo Nga và Đức sẽ rơi vào suy thoái. Trong số tất cả quốc gia được phân tích trong báo cáo, Nga là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất - do các lệnh trừng phạt của phương Tây - và dự kiến sẽ giảm tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 và giảm 4,5% trong năm 2023.
Trong khi đó, Đức sẽ kết thúc năm nay với mức tăng trưởng 1,2% nhưng sẽ giảm 0,7% trong năm tới. Các nền kinh tế châu Âu khác khả quan hơn một chút. Pháp, Ý và Tây Ban Nha sẽ có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023, lần lượt là 0,6%, 0,4% và 1,5%.
Khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2022 nhưng chỉ 0,3% trong năm 2023. Lạm phát sẽ ở mức trung bình 6,2% trong năm tới, gấp ba lần mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu mong muốn.
Đối với châu Âu, dự báo đặc biệt u ám trong trường hợp mùa đông tới lạnh hơn bình thường. Khi đó kho chứa khí đốt dưới lòng đất sẽ cạn kiệt và giá năng lượng sẽ tăng cao, gây ra tình trạng thiếu hụt và làm tê liệt ngành công nghiệp. “Điều này sẽ đẩy nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái cả năm 2023” - OECD dự báo.
OECD cũng cảnh báo về khả năng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga, một trong những nguồn thu hàng đầu của Moscow, có thể gây ra “nhiều xáo trộn hơn dự đoán”. Lệnh cấm vận dầu thô Nga trên toàn EU sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, theo đó EU sẽ ngưng nhập khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Nga. Nếu Nga không thể định tuyến lại các nguồn cung cấp này cho các khu vực khác, giá quốc tế sẽ tăng cao, gây thêm áp lực lên các chuỗi cung ứng năng lượng vốn đã biến động.
Ngoài khối EU, OECD dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm tới, trong khi Anh là 0%. Nhật, Canada, Argentina, Brazil, Nam Phi và Mexico đều chỉ tăng trưởng dưới mốc 2%. Trung Quốc sẽ tăng 3,2% trong năm 2022 và sau đó tăng tốc lên 4,7% trong năm 2023.
Trong khi đó, Saudi Arabia dường như đang tận hưởng sự bùng nổ kinh tế “được thúc đẩy nhờ giá năng lượng cao”. Quốc gia giàu dầu mỏ này ước tính sẽ tăng trưởng gần 10% trong năm nay và 6% trong năm tới.