Châu Á - điểm sáng trong bản đồ khủng hoảng kinh tế thế giới

(PLO)- Các nhà kinh tế đặt cược rằng hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tránh được tình trạng “lạm phát đình trệ” - hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao - vốn đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế phương Tây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại dịch COVID-19 và tiếp theo đó là xung đột Nga - Ukraine đã đẩy rất nhiều nước vào cảnh khó khăn, theo nhận định của hãng tin Bloomberg thì sẽ không có nền kinh tế nào đi qua năm 2022 mà không bị tổn hại.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung những khó khăn, tổn hại kinh tế toàn cầu đang trải qua, tác động tiêu cực với châu Á nhẹ hơn. Theo đánh giá của các nhà phân tích Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật) đưa ra ngày 13-9, 7/30 nền kinh tế lớn của thế giới được cho ít bị tổn thương khi xảy ra khủng hoảng nằm ở châu Á. Trong đó có Indonesia, Malaysia, Philippines và Ấn Độ.

Các quốc gia có thể tránh được tình trạng “lạm phát đình trệ” - điều mà hiện tại chúng tôi cho rằng hầu hết châu Á sẽ tránh được - có thể có được khả năng cạnh tranh.

Nhà kinh tế JEROME HAEGELI tại Công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ)

Châu Á trụ vững

Đầu tiên có thể khẳng định lạm phát ở châu Á ít hơn so với phần lớn thế giới, theo Bloomberg. Nhà kinh tế trưởng Jerome Haegeli thuộc công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) nhận định rằng “các nền kinh tế châu Á mới nổi dẫn đầu trong cuộc chiến giữ lạm phát ở mức thấp”.

Ngay cả khi đồng USD tăng giá, phần lớn các loại tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á lại hoạt động tốt hơn so với các loại tiền tệ truyền thống như đồng yen và đồng euro.

Trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi châu Á nổi bật như một điểm sáng hiếm hoi trong một năm kinh tế thế giới khó khăn và lần đầu tiên nợ toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong hàng chục năm. Chỉ số của Bloomberg về trái phiếu châu Á mới nổi ghi nhận tổng lỗ khoảng 9% trong năm nay, tương đối tốt hơn so với thước đo của Bộ Ngân khố Mỹ ghi nhận mức lỗ 11%, hoặc thước đo thị trường mới nổi toàn cầu ghi nhận giảm hơn 16%.

Theo đánh giá của Bloomberg thì Đông Nam Á đang cho thấy một số khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô, với PMI sản xuất (chỉ số quản lý sức mua ngành sản xuất) đang mở rộng ở các quốc gia khu vực.

Kết quả hoạt động từ đầu năm đến nay ở nhiều nước châu Á có thể đã cung cấp một số dữ liệu minh chứng giúp cho các nhà đầu tư lạc quan và khiến họ quay lại châu lục này. Tháng 8, Ấn Độ và Indonesia đã ghi nhận dòng vốn trái phiếu nước ngoài ròng, dòng vốn đầu tiên rót vào các nước này sau ít nhất sáu tháng. Trong khi đó các quỹ toàn cầu liên tiếp đổ vào Thái Lan kể từ tháng 5.

Du khách ở Bangkok giữa tháng 9. Du lịch là một trong những lĩnh vực Thái Lan chú trọng khai thác để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối. Ảnh: EPA-EFE

Du khách ở Bangkok giữa tháng 9. Du lịch là một trong những lĩnh vực Thái Lan chú trọng khai thác để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối. Ảnh: EPA-EFE

Quản lý tốt và may mắn

Sở dĩ tác động tiêu cực với châu Á có phần ít hơn nhiều khu vực khác của thế giới một phần nhờ vào kho dự trữ ngoại hối vững vàng của khu vực, sự thận trọng về tài khóa, sự bình tĩnh trong quản lý khủng hoảng và cả yếu tố may mắn, Bloomberg dẫn ý kiến nhiều chuyên gia.

Theo Bloomberg, các quốc gia châu Á như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines lúc này đang gặt hái thành quả của 1/4 thế kỷ chuẩn bị để tránh nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.

Các nhà hoạch định chính sách các nước không chỉ chú trọng xây dựng dự trữ ngoại hối kỷ lục mà còn kiềm chế chỉ chi tiêu ở mức vừa phải, khi sự thận trọng về tài khóa và sự bình tĩnh trong quản lý khủng hoảng là tiêu chuẩn hành động ở nhiều nước. Với khó khăn hiện tại, những khoản dự trữ ngoại hối đã bị thu hẹp với tốc độ nhanh nhưng nhìn chung lượng dự trữ vẫn ở trên mức cuối năm 2019. Tổng tài sản nắm giữ ở các nền kinh tế châu Á mới nổi ở mức 2.600 tỉ USD, sau khi đạt đỉnh trên 2.800 tỉ USD vào tháng 10-2021.

Chính các kho dự trữ ngoại hối đáng kể mà các nền kinh tế châu Á tích lũy được đã giúp giảm bớt tác động của tình trạng hỗn loạn thị trường năm nay, vốn đã thúc đẩy làn sóng rút vốn lớn nhất trong ít nhất một thập niên.

Bên cạnh đó, nhà kinh tế Haegeli tại Swiss Re chỉ ra rằng chi phí nhập khẩu tương đối thấp hơn ở châu Á là một chỉ báo chính về triển vọng tốt hơn cho khu vực. Điều đó một phần được thúc đẩy nhờ vận may của khu vực trong việc tránh được những cú sốc giá hàng hóa tồi tệ nhất, vì Đông Á ít phụ thuộc hơn vào năng lượng từ Nga hoặc vào lúa mì từ Ukraine như thực tế các nước phương Tây đã và đang chịu.•

“Châu Á vẫn có vùng đệm để vượt qua cơn bão”

Về toàn cảnh, theo ông Alexander Wolf, người đứng đầu chiến lược đầu tư châu Á tại Ngân hàng JPMorgan ở Singapore, tình hình vẫn rất khó khăn khi “trong năm qua, các bộ đệm bên ngoài được xây dựng trước đó đã cạn kiệt nhiều - nợ công và tư nhân đã tăng lên đáng kể, chi tiêu tài khóa tăng, nhập khẩu hàng hóa cao hơn đang ăn vào thặng dư tài khoản vãng lai và lãi suất thực âm, ít có tác dụng đệm chống lại dòng vốn chảy ra”.

Tuy nhiên, ông Jin Yang Lee, một quản lý đầu tư về nợ tại Tập đoàn đầu tư abrdn Plc (Anh, Chi nhánh ở Singapore), lạc quan rằng “châu Á vẫn có vùng đệm để vượt qua cơn bão”. Ông Lee đánh giá rằng “nhìn chung, châu Á đã thận trọng hơn nhiều trong thiết lập chính sách trước những thay đổi cơ cấu nền kinh tế”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm